Không quá khi nói rằng Mark Zuckerberg là một thiên tài "copy-paste".
 
Ngày 5/8 vừa qua, Instagram đã tung ra một tính năng mới có tên Reels, cho phép người dùng tạo và xuất bản các video ngắn 15 giây đồng thời cung cấp một thư viện nhạc đồ sộ. Thuật toán của nó cũng cho phép người dùng xem các video phổ biến nhất, được lựa chọn dựa trên nội dung cá nhân hóa phù hợp với sở thích của từng người.
 
Nghe có vẻ quen thuộc? Đây rõ ràng là một bản sao của TikTok.
 
Trên thực tế kể từ năm 2014, Facebook đã "nhân rộng" thành công các tính năng đã ra mắt trên nền tảng của nhiều đối thủ. Reels chỉ là một trong các nỗ lực mới nhất mà thôi.
 
Từ khi thành lập, Facebook đã tỏ ra rất chú ý đến các đối thủ cạnh tranh. Nếu một trong số đó tung ra một sản phẩm thành công, Facebook sẽ ngay lập tức theo dõi để "ngăn cản đối thủ giành chỗ đứng trên thị trường".
 
Điều này đã được hé lộ mới đây qua loạt mail rò rỉ nội dung trao đổi giữa CEO Mark Zuckerberg và cộng sự hồi năm 2012. Các email bị lộ cũng cho thấy vào thời điểm đó, nhiều nhân viên cấp cao của Facebook đã tới Trung Quốc để gặp nhà sáng lập mạng xã hội Renren và nền tảng Baidu để học hỏi kinh nghiệm.
 
Và không chỉ Mark Zuckerberg mà cả COO Sandberg cũng rất quan tâm đến điều này. Thậm chí, một giám đốc dự án tiết lộ rằng công ty muốn thấy Facebook sao chép các đối thủ của mình một cách "mạnh dạn và nhanh chóng" nhất có thể.
 
Tại phiên điều trần chống độc quyền của các công ty công nghệ diễn ra hồi tháng 7, Mark Zuckerberg từ chối tiết lộ Facebook đã sao chép bao nhiêu công ty. Nhưng theo các thông tin được báo cáo và tổng hợp công khai thì ngoài TikTok, Facebook đã sao chép ít nhất 6 ứng dụng trong 6 năm qua.
 
Tháng 4/2020: Messenger Room
 
 
Đại dịch Covid-19 đã buộc ngày càng nhiều người phải làm việc và học tập ở nhà, khiến những cuộc tụ tập đông người chỉ có thể thực hiện trên mạng. Tại thời điểm này, các công cụ họp trực tiếp đã trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người trong thời gian cách ly xã hội, chẳng hạn như Zoom hay Houseparty...
 
Năm 2011, kỹ sư Trung Quốc Yuan Zheng đã thành lập công ty Zoom ở Thung lũng Silicon. Ứng dụng họp trực tuyến Zoom đã phát triển ổn định kể từ khi phát hành. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm nay, tỷ lệ sử dụng Zoom đã tăng vọt 1.900%, lượng người dùng hàng ngày đã tăng từ 1 triệu lên 200 triệu chỉ trong hai tháng.
 
"Hiện tượng Zoom" nghiễm nhiên thu hút sự chú ý của Facebook.
 
Công ty vốn không muốn thấy các đối thủ thu hút sự quan tâm từ người dùng của mình, đã ngay lập tức tung ra chức năng gọi video nhóm của riêng mình mang tên Messenger Rooms vào tháng 4 vừa qua. Các phòng họp này cho phép người dùng bắt đầu cuộc gọi video với không quá 50 người thông qua một liên kết và người dùng không có tài khoản Facebook hoặc Messenger cũng có thể tham gia hội nghị thông qua liên kết này. Người khởi xướng cuộc họp có thể đặt nó ở chế độ riêng tư để ngăn những vị khách không mời, hoặc đuổi những người tham dự không được chào đón. Trong cuộc họp trên Messenger, người dùng có thể sử dụng các bộ lọc thực tế ảo của Facebook và đặt nền ảo để làm cho mình trông giống như đang ở trên bãi biển, trong một trang trại hoặc tại Đại học Stanford...
 
Nói cách khác, những chức năng mà Zoom có (đặc biệt là nền ảo, vốn là một tính năng riêng của Zoom), Facebook đều có thứ tương tự.
 
Và trên thực tế, trước đó Facebook cũng đã cố gắng phát triển một ứng dụng gọi video nhóm độc lập. Đối tượng bị sao chép là một ứng dụng có tên Houseparty. Nhưng vào năm ngoái, dự án này đã bị chấm dứt. Tuy nhiên, sự thành công lớn gần đây của Zoom và các ứng dụng họp trực tuyến khác cho phép Facebook khởi chạy dự án Messenger Room vào thời điểm này mà không hề do dự.
 
Tháng 4/2020: Facebook Gaming
 
 
Phát trực tiếp trò chơi cũng là một lĩnh vực rất thu hút người dùng, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Giống như họp trực tuyến, nhu cầu của mọi người về nội dung trò chơi và phát trực tiếp trò chơi đã tăng mạnh.
 
Khoảng 2 năm trước, trước khi Facebook Gaming được phát hành, đã có hai nền tảng khá mạnh trên thị trường là Twitch và YouTube Gaming. YouTube Gaming thiên về nội dung trò chơi còn Twitch thiên về phát trực tiếp trò chơi.
 
Năm 2014, Twitch được Amazon mua lại, để rồi có sự tăng trưởng theo cấp số nhân. Trong quý 2/2020, tổng thời lượng xem trên Twitch đạt 5 tỷ giờ, với thị phần 67,6%. Ngoài các chương trình phát sóng trực tiếp, Twitch còn có một cộng đồng người dùng khổng lồ, bao gồm người chơi game phổ thông, game thủ chuyên nghiệp, người sáng tạo nội dung trong game, cũng như các giải đấu thường xuyên với tên gọi Twitch Rivals.
 
Nhận thấy cơ hội do dịch bệnh tạo ra và thị trường tiềm năng, Facebook đã tung ra một ứng dụng độc lập là Facebook Gaming. Ngoài chức năng phát sóng trực tiếp và cộng đồng, ứng dụng này còn có chế độ thi đấu "Tournament Mode".
 
Nói cách khác, nó gần tương tự như Twitch, nhưng có sự cải tiến hơn một chút ở chế độ giải đấu. Mặc dù không thể xác định chính xác Facebook có "đạo văn" hay không, nhưng có nhiều rõ ràng cho thấy chế độ này đã vay mượn ý tưởng của Twitch Rivals và thực hiện các cải tiến trên cơ sở tính năng này.
 
Mục đích của việc này cũng rất rõ ràng, đó là thay thế Twitch và trở thành số 1 trong lĩnh vực phát sóng trực tiếp trò chơi.
 
Tháng 10/2016: Tính năng Market
 
 
Đầu tiên, bạn cần biết về Craigslist, một trang web rao vặt có lịch sử 25 năm. Ở Mỹ, nếu ai đó muốn xuất bản các quảng cáo rao vặt miễn phí tại địa phương hoặc bán một số món đồ cũ... điều đầu tiên họ nghĩ đến về cơ bản là Craigslist.
 
Mặc dù giao diện của trang web này khá... xấu xí và không thay đổi nhiều trong vài thập kỷ qua, nó vẫn là "trang web rao vặt số 1 thế giới, cả về doanh thu và lượng truy cập", theo báo cáo của AIM Media năm 2019. Rõ ràng, một trang web duy nhất có thể tạo ra doanh thu 1 tỷ USD mỗi năm, là một điều thực sự đáng kinh ngạc.
 
Và một khối tài sản kếch xù như vậy đương nhiên không thể thoát khỏi số phận bị Facebook nhắm tới.
 
Và trên thực tế khi ra đời, tính năng Marketplace quả thực đã mang lại áp lực cạnh tranh rất lớn cho Craigslist. Trong hai thập kỷ qua, Craigslist hầu như không được cải thiện và luôn dựa trên nền tảng web. Do đó, khi so sánh thì trải nghiệm người dùng trên Marketplace tốt hơn, do được cải tiến và đổi mới. Thậm chí, người dùng có thể truy cập Marketplace ngay từ ứng dụng Facebook, có thể xuất bản và duyệt các quảng cáo nhanh hơn, bán đồ dễ hơn. Quan trọng hơn cả là nó an toàn hơn Craigslist (mặc dù bản thân vấn đề bảo mật dữ liệu của Facebook cũng là một vấn đề lớn).
 
Chứng kiến Market, kẻ sao chép mình, từng bước phát triển, Craigslist cuối cùng đã phải tung ra ứng dụng của riêng mình vào cuối năm 2019.
 
 
Giao diện ứng dụng Craigslist hiện nay.
 
Tuy nhiên hơi "trái khoáy" khi bây giờ, Craigslist dường như đang sao chép ngược Marketplace. Và điều này chỉ có thể đổ lỗi cho Craigslist, khi đã ngủ quên trên đỉnh vinh quang, không bắt kịp xu hướng của thiết bị di động, tạo cơ hội cho Facebook sao chép và tận dụng.
 
 
Tháng 8/2016: Tính năng Stories trên Instagram
 
 
Khi nói đến vấn đề "đạo văn" của Facebook thì ngoài Instagram Reels, không thể bỏ qua Instagram Stories. Và đây cũng là màn "chép bài" thành công nhất của Facebook tính cho đến nay.
 
Cụ thể, Snap Chat là người đầu tiên ra mắt tính năng Stories vào năm 2013, cho phép người dùng đăng một bộ ảnh hoặc video ngắn. Những nội dung đã xuất bản này sẽ tự động bị xóa sau 24 giờ. Nó nhanh chóng trở thành đặc trưng cơ bản nhất của Snapchat.
 
Vào năm 2016, Instagram, sau khi được Facebook mua lại, đã ra mắt tính năng này trên nền tảng của mình mà thậm chí không thèm thay đổi tên gốc của nó. Tất cả người dùng đều biết rằng đây là một bản sao tính năng của Snapchat.
 
Ngay cả CEO của Instagram khi đó là Kevin Systrom cũng thừa nhận: "Tất cả những điều này là do Snapchat."
 
Systrom cũng thẳng thắn nói về quan điểm của mình về vấn đề "đạo văn". Đó là "đổi mới chắc chắn đáng được khuyến khích" và "không ai coi thường những người mượn ý tưởng mà mọi người đều công nhận là tuyệt vời."
 
"Không phải bộ lọc khuôn mặt và hiển thị hình ảnh kiểu trình chiếu trên Snapchat đã tồn tại trước đây sao? Gmail không phải là ứng dụng thư đầu tiên và iPhone không phải là điện thoại di động đầu tiên. Tôi nghĩ những công ty này rất tuyệt và Facebook cũng tuyệt vời. Mọi người cùng nhau đổi mới và cải thiện. Đây là một phần thú vị của Thung lũng Silicon", CEO này chia sẻ.
 
Nhưng không chỉ vậy, Facebook còn đầy mưu mô khi chọn thời điểm công bố các tính năng "đạo nhái" của mình. Đó là thời điểm ngay trước khi Snapchat lên sàn chứng khoán, khiến giá cổ phiếu của công ty này giảm mạnh hơn 12% vào ngày thứ 3 sau khi niêm yết. Sự cạnh tranh khốc liệt từ Facebook là một trong những lý do chính khiến nhiều tổ chức và nhà đầu tư cảm thấy hụt hẫng khi bỏ tiền vào ứng dụng đối thủ.
 
Và giờ đây, Facebook đã sao chép tính năng Stories này sang cả Facebook và ứng dụng Messenger. Đây cũng là một trong các lý do khiến Snapchat ngày càng biến mất khỏi tầm mắt của mọi người.
 
Tháng 3/2015: Tính năng "On This Day" (Vào ngày này)
 
 
Tính năng "On This Day" trên Facebook, hay "ngày này năm ấy" chắc hẳn đã quá quen thuộc với mọi người. Nó sẽ hiển thị những bức ảnh, bài viết, dòng trạng thái... được người dùng công bố vào ngày này nhưng cách đây vài năm, mang đến cho họ đầy ắp kỷ niệm.
 
Tuy nhiên, tính năng này thực tế cũng chỉ là một sản phẩm mà Facebook sao chép.
 
Cụ thể vào năm 2011, một công ty khởi nghiệp có tên Timehop ​​đã ra mắt khái niệm "On This Day". Ứng dụng này nhanh chóng đạt được 6 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày trên thiết bị di động. Nhận thấy dấu hiệu thành công, Facebook đã tung ra tính năng hoài cổ tương tự.
 
Mặc dù đã sao chép Timehop, ​​nhưng Facebook vẫn có những hạn chế của mình. Timehop ​​có thể thu thập dữ liệu kỷ niệm từ Facebook, Twitter, Instagram, Flicker, Dropbox và cả album ảnh trên thiết bị di động của người dùng. Còn Facebook chỉ làm được mọi thứ giới hạn trong nền tảng của mình.
 
Có lẽ chính vì lý do này mà Timehop, vốn là kẻ bị đạo nhái, vẫn rất bình tĩnh. Giám đốc điều hành Jonathan Wegener của công ty thậm chí còn "hơi hài lòng" sau khi biết rằng ứng dụng của mình đã bị Facebook sao chép.
 
"Tôi nghĩ ở một khía cạnh nào đó, đây là một sự công nhận tuyệt vời đối với công việc của chúng tôi và chứng minh rằng sự chăm chỉ của chúng tôi là có giá trị", ông chia sẻ. "Một trong những nhà đầu tư của chúng tôi đã nói rất hay, rằng: 'Nếu Facebook không xâm nhập vào lĩnh vực của bạn, có thể thấy rằng hướng đi của bạn không có giá trị gì'".
 
Wegener cũng nói rằng việc Facebook "đạo văn" đã chứng minh rằng "Timehop ​​là quan trọng và những kỷ niệm cũng vô cùng quan trọng."
 
Tháng 6/2014: Tính năng Slingshot
 
 
Một lần nữa, nạn nhân của Facebook lại là cái tên quen thuộc: Snapchat.
 
Trước khi Facebook sao chép Snapchat Stories, Mark Zuckerberg đã "nhìn chằm chằm" vào một Snapchat trẻ trung và sáng tạo. Nhận thấy tính năng Poke của Snapchat rất thú vị, Facebook đã cho ra đời Slingshot.
 
Tương tự Poke, về mặt tính năng nó sẽ tự hủy ảnh và video mà người dùng gửi cho nhau sau khi người dùng đã xem. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng là người nhận phải trả lời người gửi thì mới có thể xem nội dung vừa nhận được. Nói cách khác, nếu bên kia gửi nhiều nội dung, bạn phải trao đổi cùng một lượng nội dung tương tự.
 
 
Slingshot yêu cầu mọi người phải trao đổi nội dung với nhau.
 
"Trao đổi nội dung lấy nội dung" có vẻ là một phát kiến ​​có thể vượt qua tính năng Poke của Snapchat, giúp nó thoát khỏi nghi án "đạo văn". Nhưng đáng tiếc rằng đổi mới này thực sự là một thất bại. Bởi không phải ai cũng muốn cho đi cái gì đó trước khi thấy cái mà mình nhận được.
 
Vì vậy, ba tháng sau, Slingshot đã xóa đi yếu tố khác biệt quan trọng nhất của mình, chính thức hiện thân là một kẻ sao chép Poke đích thực.
 
Tư duy đổi mới của Facebook đã cạn kiệt?
 
Nhìn lại lịch sử phát triển sản phẩm của Facebook, chúng ta có thể thấy rằng sau ứng dụng Messenger, Facebook chưa bao giờ phát triển thành công các ứng dụng phổ biến của riêng mình.
 
Ứng dụng chia sẻ ảnh phổ biến Instagram và ứng dụng nhắn tin tức thì WhatsApp đã được Facebook mua lại. Tính năng Stories phổ biến trên Instagram đã được sao chép từ Snapchat.
 
Thậm chí, tại phiên điều trần hồi cuối tháng 7 vừa qua, một số dân biểu Mỹ đã chỉ ra rằng khi Facebook mua lại Instagram, Mark Zuckerberg đã đe dọa người sáng lập khi đó rằng sẽ "phá hủy Instagram" bằng cách tung ra tính năng tương tự, nếu cuộc mua bán không thành.
 
Và hiện tại thì ngay cả việc sao chép không phải lúc nào cũng thành công.
 
"Trong những năm gần đây, hầu hết các nỗ lực sao chép sản phẩm từ các công ty khác của Facebook đều thất bại. Tính năng Stories trên Instagram là một ngoại lệ đặc biệt. Có lẽ Reels cũng có cơ hội, nhưng điều này không đảm bảo thành công", Debra Aho Williamsom, trưởng nhóm phân tích của eMarketer nhận định.
 
Facebook rõ ràng cũng nhận ra điều này. Để duy trì sự đổi mới và mang đến nhiều ứng dụng mới mẻ hơn, Facebook đã thành lập một nhóm mang tên Thử nghiệm sản phẩm mới (NPE) cách đây một năm để thiết kế, phát triển và phát hành ứng dụng, đồng thời "mang đến trải nghiệm xây dựng cộng đồng hoàn toàn mới" cho người dùng. Nhóm này có thể nhanh chóng khởi chạy các ứng dụng mới và thậm chí kết thúc thử nghiệm ngay lập tức khi thấy ứng dụng không đáp ứng được kỳ vọng.
 
Tuy nhiên, vào đầu tháng trước, ứng dụng Hobbi mà nhóm NPE ra mắt lại bị nghi ngờ là "đạo nhái". Hobbi cho phép người dùng quản lý và lưu hình ảnh liên quan đến sở thích cá nhân của họ và nó trông khá giống với ứng dụng quản lý hình ảnh Pinterest.
 
 
Ứng dụng Hobbi
 
Tới đây thì có thể thấy trước rằng Facebook sẽ tung ra nhiều ứng dụng thử nghiệm hơn trong tương lai. Nhưng đó là sự đổi mới hay lại là một món hàng sao chép, thì vẫn còn cần phải xem xét lại.