Một lần nữa, mạng xã hội Facebook lại khiến người dùng thất vọng về việc bảo mật những thông tin cá nhân của mình.
 
Mới đây, Facebook lại một lần nữa vướng vào tình huống gây tranh cãi vì các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư. 
 
Theo đó, mạng xã hội hàng đầu thế giới vừa thừa nhận rằng hàng ngàn nhà phát triển đã có thể truy cập được vào dữ liệu mới từ người dùng cũ, dù họ không còn sử dụng các ứng dụng từ những nhà phát triển này trong 90 ngày, và cho rằng đây là một điều không mong muốn.

 
Facebook lại một lần nữa vướng vào tình huống gây tranh cãi vì các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư. (Ảnh: Marlene Awaad/Bloomberg via Getty Images)
 
Điều đáng nói, kể từ sau vụ bê bối Cambridge Analytica khiến ông chủ Mark Zuckerberg phải điều trần trước Hạ viện và Thượng Viện Hoa Kỳ năm 2018, Facebook cho biết đã thực hiện một số thay đổi nhằm tăng cường khả năng bảo mật và sự riêng tư cho người dùng, trong đó có việc ngăn chặn các nhà phát triển truy cập dữ liệu mới từ một người, nếu người đó không sử dụng ứng dụng từ nhà phát triển trong khoảng thời gian 90 ngày trở lên.
 
Nguồn tin từ Engadget cho biết, Facebook không tiết lộ liệu vấn đề này đã tồn tại bao lâu trước khi nó được khắc phục hoặc có bao nhiêu người dùng có thể bị ảnh hưởng từ vụ việc.
 
Công ty chỉ cho biết rằng, "khoảng 5.000 nhà phát triển đã truy cập được dữ liệu mới từ những người dùng không hoạt động trong hơn 90 ngày, bắt đầu từ vài tháng trước đó."
 
Facebook cũng không nêu chính xác dữ liệu nào có thể đã được chia sẻ với những nhà phát triển kể trên, mà chỉ nói chung chung rằng đây là những dữ liệu từng được người dùng ủy quyền cho các ứng dụng khi được yêu cầu.
 

 
Facebook cũng không nêu chính xác dữ liệu nào có thể đã được chia sẻ với những nhà phát triển kể trên. (Ảnh: News Break)
 
"Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy sự cố có thể dẫn đến việc chia sẻ thông tin không phù hợp với các quyền mà người dùng đã uỷ thác khi họ đăng nhập bằng Facebook", công ty cho biết.
 
Mạng xã hội này tuyên bố sự cố đã được khắc phục ngay khi phát hiện và cho biết đang có kế hoạch tiếp tục điều tra vụ việc.

 
Mark Zuckerberg từng phải điều trần trước Hạ viện và Thượng Viện Hoa Kỳ năm 2018 vì bê bối liên quan đến dữ liệu của người dùng. (Ảnh: Getty Images)
 
Ngoài ra, Facebook cũng bổ sung các chính sách bảo mật của mình để đảm bảo rằng các nhà phát triển hiểu trách nhiệm của họ đối với dữ liệu người dùng, theo 9to5mac.

 
Facebook cũng đã bổ sung các chính sách bảo mật của mình sau khi xảy ra vụ việc. (Ảnh chụp màn hình)