Theo cảnh báo của BS. Nguyễn Phương Thảo (Nhóm Bác sĩ hỗ trợ tư vấn F0-F1 cách ly tại nhà – TP.HCM) bệnh nhân Covid-19 thường có suy hô hấp thầm lặng nghĩa là oxy máu tụt (chỉ số SpO2 xuống ) nhưng bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt, đôi khi chỉ thở hơi vướng.
Chính vì vậy, BS. Thảo khuyến cáo có 3 việc F0 điều trị tại nhà cần phải thực hiện:
- Thứ nhất là chuẩn bị sẵn sàng máy đo SpO2, đây là thiết bị cần phải có;
- Thứ 2 là phải có lượng thuốc dự trữ thuốc theo danh sách Sở Y tế đã công bố;
- Thứ ba là, cần phải liên hệ với 1 bác sĩ online để được theo dõi hỗ trợ thường xuyên bởi với bệnh nhân Covid-19 thường có diễn biến khó lường nếu chủ quan.
F0 cần lưu ý gì ở giai đoạn đầu bệnh Covid-19?
BS. Thảo cho hay, với bệnh nhân Covid-19, từ ngày 1 đến ngày 5 của kỳ bệnh là giai đoạn đầu, virus tăng sinh khiến người bệnh mang cảm giác mệt mỏi, sốt nhiều người cảm thấy sợ nhưng thực chất đây lại là giai đoạn an toàn.
Ở giai đoạn này, bệnh nhân cần lưu ý 2 việc: Thứ nhất là bệnh nhân phải kiểm soát yếu tố nhiễm trùng của việc bội nhiễm do cơ thể đang nhiễm virus;
Thứ 2 là cần tăng cường sức đề kháng, tăng cường miễn dịch thật mạnh bằng các loại vitamin tăng cường, ví như vitamin C, nếu bình thường theo liều 500-1.000/ngày thì với F0 phải tăng lên 2.000. Liều vitamin D3 cũng phải tăng liều gấp đôi lên 40 nghìn đơn vị UI so với bình thường… vì vitamin giúp cơ thể người bệnh tăng miễn dịch, ức chế tăng sinh virus.
Bên cạnh đó, kẽm có tác dụng hỗ trợ nang rất tốt, bình thường dùng liều phổ thông là 10 – 20 mg/ngày nhưng khi là F0 cần dùng 40-50 mg/ngày.
Hiện nhiều người F0 chưa nắm được điều này nên khi điều trị tại nhà chỉ uống nước cam, nước chanh với mục đích bổ sung vitamin C, nhưng như vẫn chưa đủ.
“Trong giai đoạn đầu này, bệnh nhân chỉ cần tăng miễn dịch và theo dõi kỹ SpO2. Hết giai đoạn 5 - 7 ngày là bệnh nhân hết sốt, tỉnh táo, giảm ho không còn uể oải, bệnh nhân sẽ lui bệnh”, BS. Thảo lưu tâm.
Sau 7 ngày hết sốt nhưng mệt – giai đoạn đặc biệt nguy hiểm
BS. Thảo đặc biệt cảnh báo với F0 khi ở giai đoạn từ ngày thứ 5-7, lúc này đã hết sốt, nhưng lại thấy mệt – báo hiệu bệnh nhân vào độ nặng. Tuy nhiên, vì hết sốt, giảm ho đờm nên bệnh nhân thường chủ quan không thường xuyên theo dõi SpO2. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân ở giai đoạn này tụt thấp chỉ số SpO2 nhưng không có dấu hiệu khó thở vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ hơi mệt.
“Tôi từng gặp bệnh nhân SpO2 tụt rất nhiều nhưng ngay trước đó bệnh nhân vẫn ngồi ăn bình thường. Bác sĩ không tư vấn sát thì có thể dễ tử vong sau đó. Vì vậy, máy SpO2 rất quan trọng cho người bệnh để theo dõi. Khi Spo2 dưới 95% là bệnh nhân vào giai đoạn chuyển độ nặng, có thể uống corticoid và kháng đông theo phác đồ của Bộ Y tế. Nhưng khi uống, người bệnh nên để ý liều lượng".
Đến giai đoạn này bệnh nhân phải theo dõi sát sao chỉ số SpO2. Và điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải chịu khó tập thở. Nếu bệnh nhân mệt mỏi, không tập sẽ bị xơ cứng phổi, huyết khối gây tắc mạch phổi và phản ứng viêm sẽ xảy ra. Khi đó người bệnh nguy hiểm.
Nếu bệnh nhân làm tốt được giai đoạn này thì đa số bình phục.
Tăng cường chế độ dinh dưỡng với F0 tại nhà
BS. Thảo cũng lưu ý chế độ dinh dưỡng với F0 tại nhà, nhiều F0 gặp tình trạng suy kiệt do mệt mỏi không muốn ăn.
Nếu không chịu ăn đồng nghĩa sức đề kháng giảm, cơ hội chống chọi với bệnh tật cũng giảm.
Chính vì vậy, bệnh nhân nên ăn cháo loãng nấu với thịt bò, thịt gà, uống yến, sữa ensure (với người tiểu đường dùng sản phẩm không đường)… tăng năng lượng nhanh.
Riêng với người già mắc Covid-19 kèm các bệnh lý nên như tăng huyết áp, tiểu đường thì gia đình nên chuẩn bị sẵn bình oxy, thở bằng mặt nạ.