Tiếp tục lỗ gần 30.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố BCTC soát xét bán niên năm 2023 với khoản lỗ sau thuế là 29.107 tỷ đồng. Con số này đã tăng 75% so với khoản lỗ nửa đầu năm trước, thậm chí vượt cả khoản lỗ hơn 20.000 tỷ đồng của cả năm 2022. Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là gần 30.000 tỷ đồng.
Kinh doanh dưới giá vốn là nguyên nhân chính khiến tập đoàn này lỗ. Cụ thể, trong nửa đầu năm EVN ghi nhận doanh thu 229.880 tỷ đồng, tăng gần 4% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu bán điện chiếm 99,6%, tăng 94% so với năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng của doanh nghiệp lại vượt doanh thu với mức 245.068 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6, EVN lỗ lũy kế 43.845 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu giảm gần 13,7% còn 194.456 tỷ đồng. Nợ vay tài chính ở mức 306.168 tỷ đồng, trong đó 86% là nợ dài hạn.
Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của EVN đạt 666.165 tỷ đồng tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp này đạt mức 76.582 tỷ đồng, giảm gần 25.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng vừa báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu.
Theo báo cáo, số lỗ 6 tháng đầu năm 2023 của EVN là hơn 35.400 tỷ đồng. Còn tính đến hết 8 tháng, số lỗ của EVN dự kiến lên tới hơn 28.700 tỷ đồng. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ước tính năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ phát sinh 37.062 tỷ đồng.
Tăng giá điện vẫn chưa đủ
Hồi đầu năm 2023, EVN đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 với dự báo tài chính tập đoàn còn u ám hơn năm 2022 rất nhiều. Theo những tính toán khi đó, năm 2023, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành (1.854,44 đồng/kWh).
Năm 2023, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, tập đoàn không thể trả nợ đúng hạn; các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN.
Ngoài ra chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm đối với bên cho vay. Do đó, Tập đoàn Điện lực đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN.
Cụ thể, EVN kiến nghị được điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào. Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN mong được Chính phủ và các bộ, ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Với việc tăng giá điện từ 4/5 lên 1.920,3732 đồng/kWh giúp EVN có thêm 8.000 tỷ đồng. Nhưng đại diện EVN khẳng định rằng: So với những khó khăn về tài chính rất lớn của năm 2022 và 2023 do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao thì mức tăng doanh thu này chỉ bù đắp được một phần khó khăn về tài chính của EVN trong năm 2023. Dự kiến hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và mất cân đối tài chính.
Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước hôm 14/9, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An cho hay, EVN đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nội tại như: tối ưu hóa chi phí, tối ưu huy động nguồn, cắt giảm các chi phí không cần thiết để giảm bớt khó khăn tài chính. EVN kỳ vọng trong thời gian tới sẽ dần cân bằng được tài chính.