Người Anh luôn tự hào khi sở hữu giải Ngoại hạng Anh hấp dẫn hàng đầu thế giới nhưng tuyển Anh vẫn thất bại ở các giải đấu lớn.

Trong bóng đá, đội tuyển quốc gia vốn là tấm gương phản chiếu hình ảnh giải vô địch quốc gia. Người Anh luôn tự hào khi sở hữu giải Ngoại hạng Anh hấp dẫn hàng đầu thế giới nhưng tuyển Anh vẫn thất bại ở các giải đấu lớn. Vì sao có nghịch lý này?

EURO 2020 và nghịch lý của bóng đá Anh
Tuyển Anh thất bại trong trận chung kết EURO 2020

Sự trái ngược giữa Anh và Ý

Đội tuyển Anh nắm trong tay rất nhiều lợi thế (sân nhà, khán giả nhà) để có thể lần đầu lên ngôi tại một kỳ EURO. Tuy nhiên, Tam sư lại phải nhận thất bại trước Italia trong trận chung kết.

Những vấn đề về chiến thuật được mổ xẻ kỹ càng, trong đó các sai lầm của HLV Gareth Southgate được định danh là cốt lõi khiến tuyển Anh trắng tay.

Suốt chiều dài lịch sử, ngoài chức vô địch World Cup 1966, đất nước vốn được coi là quê hương bóng đá không có thêm bất kỳ danh hiệu lớn nào.

Trước khi tiến tới trận chung kết EURO 2020, thành tích tốt nhất người Anh tạo ra ở giải đấu này là vị trí thứ 3 năm 1968. Lần cuối họ vào tới vòng bán kết EURO đã từ năm 1996, cũng tổ chức tại Anh.

Nhìn từ thực trạng này, việc tuyển Anh gục ngã trước cửa thiên đường ở EURO 2020 nếu suy xét kỹ chưa hẳn do sai lầm cá nhân. Tam sư dường như thiếu ADN chiến thắng, điều vốn phải có ở các ông lớn.

Chiếu theo nguyên tắc đội tuyển quốc gia là tấm gương phản chiếu của giải vô địch quốc gia, tuyển Anh là một nghịch lý. Nếu xét theo nguyên tắc này, đội tuyển Anh sẽ phải là đội bóng hàng đầu thế giới.

Vì sao? Vì giải Ngoại hạng Anh từ lâu luôn được coi là giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất hành tinh, cả về giá trị chuyên môn lẫn thương mại.

Hai trong ba mùa giải gần nhất, CLB Anh thống trị Champions League nhờ chức vô địch của Liverpool và Chelsea. Nhiều cầu thủ thuộc biên chế hai đội bóng trên góp mặt tại EURO 2020. Điều này càng làm chúng ta khó lý giải tại sao tuyển Anh lại bỏ lỡ cơ hội lên ngôi.

Nhìn sang tuyển Ý, người hâm mộ cũng gặp mệnh đề tương tự nhưng ở chiều ngược lại. Giải bóng đá vô địch Italia (Serie A) từ lâu không còn duy trì được vị thế vốn có.

Tính cạnh tranh nội bộ thấp dẫn tới khả năng cạnh tranh của các CLB Ý tại đấu trường châu lục trở nên hạn chế. Lần gần nhất một CLB Ý vô địch Champions League đã cách đây 14 năm (AC Milan, năm 2007).

Một đội tuyển bước ra từ giải vô địch quốc gia như vậy lại vừa vô địch EURO. Càng ngạc nhiên hơn, năm 2006, dù vừa trải qua scandal bán độ gây rúng động (Juventus bị đánh tụt hạng), người Ý vẫn xuất sắc vô địch World Cup. Xen giữa hai chức vô địch này, Italia còn một lần vào chung kết EURO năm 2012 (thất bại 0 - 4 trước Tây Ban Nha).

Một nền bóng đá bị tổn thương, một giải vô địch quốc gia gần như bị lãng quên lại có thể tạo ra đội tuyển ba lần vào chung kết EURO và World Cup, hai lần chiến thắng. Tại sao lại như vậy? Bài học cho người Anh trong câu chuyện này là gì?

Tuyển Anh không phải là những gì tốt nhất của bóng đá Anh?

Tờ Bleacherreport cho rằng, giải Ngoại hạng Anh tuy hấp dẫn, hào nhoáng nhưng bản chất các CLB đều không quan tâm tới lợi ích của nền bóng đá hay cụ thể hơn là đội tuyển quốc gia.

“Ngoại hạng Anh sinh ra để kiếm lời, tối đa hóa lợi ích của các CLB Anh, đặc biệt là những đội bóng lớn. Chính sức ép từ những khoản tài trợ, quảng cáo và bản quyền truyền hình khổng lồ buộc các đội bóng phải tạo ra các giá trị tương ứng.

Họ vung tiền mua những cầu thủ đắt đỏ để gia tăng sức mạnh đội hình, họ không sẵn sàng trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ bản địa tiềm năng. Vì thế, nguồn cung cầu thủ chất lượng cao cho đội tuyển Anh chưa bao giờ dồi dào”, Bleacherreport phân tích.

Cách dùng người của HLV Southgate cũng thường xuyên bị mổ xẻ, bất chấp Anh không thua trận nào trước trận chung kết và chỉ thủng lưới 1 bàn duy nhất. Hãy nhìn cách Saka bị phân biệt chủng tộc và bạo loạn trước cũng như sau trận chung kết. Không nhà vô địch nào được tạo nên bởi những thứ như thế. Tuyển Anh dường như không phải một đội tuyển quốc gia đúng nghĩa. The Guardian

Cũng theo Bleacherreport, vài năm trở lại đây, xu hướng trên đã dần thay đổi bằng chiến lược dài hạn của Liên đoàn bóng đá Anh, hướng tới sự đầu tư, phát triển của bóng đá trẻ ở xứ sương mù.

Đó là nguyên nhân giúp Saka hay Mason Mount góp mặt tại EURO 2020 và thường xuyên đá chính. Nhưng chừng đó là chưa đủ để tạo nên một đội tuyển Anh thực sự mạnh mẽ.

“Cặp tiền vệ Dalan Rice và Kalvin Phillips chưa đá trận nào ở cúp châu Âu trong màu áo CLB. Và ai cũng thấy họ lép vế trước Jorginho - Marco Verratti của Italia ra sao trong trận chung kết. Ở Ngoại hạng Anh, nhắc tới các tiền vệ xuất sắc, mọi người đều nghĩ tới Kevin De Bruyne (Bỉ), N’Golo Kante (Pháp) hay Bruno Silva (Bồ Đào Nha). Cầu thủ Anh về cơ bản chưa thể là cái tên hàng đầu ở vị trí của mình, ngay trên sân nhà. Thế nên, không khó hiểu khi Tam sư tỏ ra yếu bóng vía trong những trận cầu lớn”, Bleacherreport viết.

Tờ The Guardian thì cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đội tuyển Anh liên tục thất bại ở các giải đấu lớn xuất phát từ chính nội bộ nền bóng đá này. Bạo lực, phân biệt chủng tộc và sự nghi kỵ lẫn nhau khiến người Anh không thể đoàn kết một lòng.

“Hãy nhìn tuyển Ý, họ nhận sự hậu thuẫn tối đa trước trận chung kết. Trong khi đó, tuyển Anh vẫn bị đặt câu hỏi bởi chính người Anh về năng lực thực sự dù thầy trò HLV Southgate đã đánh bại đội 4 lần vô địch thế giới (Đức) và hậu duệ của Tiệp Khắc (Croatia), đội 2 lần vô địch thế giới và kỳ World Cup gần nhất đã vào tận chung kết. Chỉ có những kẻ hão huyền mới cho rằng những đối thủ trên không đủ mạnh”, The Guardian bình luận.

The Guardian còn cho rằng, việc các cầu thủ Anh đạt được danh tiếng, sự tung hô quá nhiều khi chơi bóng cho CLB khiến họ trở thành cầu thủ của truyền thông thay vì giỏi thực chiến.

“Họ có tất cả sự ngưỡng mộ khi chơi ở Ngoại hạng Anh, nơi mà kỹ thuật, bản lĩnh không được chú trọng bằng sức mạnh và sự nổi tiếng trên mạng xã hội. Nhưng khi chơi cho đội tuyển quốc gia, kỹ chiến thuật sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Đó là lý do tuyển Anh thường lép vế trước các đối thủ lớn”, kênh truyền thông của Anh viết.