Hanoi Metro vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán 2021, năm đầu tiên mà doanh nghiệp này quản lý hệ thống đường sắt đô thị của Thủ đô ghi nhận doanh thu sau khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành.
Cụ thể, cả năm ngoái, Hanoi Metro cho biết đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng. Nhưng giá vốn hàng bán lên tới gần 60 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 54 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho nhân công chiếm phần lớn cơ cấu chi phí khi vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp, Hanoi Metro lỗ ròng 64 tỷ đồng trong năm ngoái. Vào năm 2020, công ty báo lỗ 23 tỷ đồng khi chưa vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hiện Hanoi Metro đang lỗ lũy kế tổng cộng 160 tỷ đồng.
Trong cơ cấu quỹ lương, tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Hanoi Metro chỉ nhận lương bình quân 22 triệu đồng/tháng và 19 triệu đồng/tháng.
Năm 2022, Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu 476 tỷ đồng, cao gấp gần 90 lần so với cùng kỳ, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 17 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị là 76,1 tỷ đồng, tương ứng gần 16% tổng doanh thu.
Bên cạnh đó, Hanoi Metro cũng dự kiến vận hành thêm đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, chạy tổng cộng hơn 89.000 lượt tàu, phục vụ hơn 7,9 triệu hành khách. Bình quân mỗi ngày, Hanoi Metro phải phục vụ gần 21.800 lượt khách với gần 250 lượt chạy tàu để hoàn thành chỉ tiêu nói trên.
Về kế hoạch đầu tư, trong năm 2022, Hanoi Metro sẽ tiếp tục triển khai đầu tư dự án tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông và tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, dự án được phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 và khởi công từ tháng 10/2011. Tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt vào năm 2008 là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD). Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt vào năm 2016 và năm 2017 là 18.001,5 tỷ đồng, tăng 9.231 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,05km với 12 ga đi toàn bộ đi trên cao, điểm đầu là ga Cát Linh và điểm cuối là ga Yên Nghĩa, khu Depot tại Phú Lương, quận Hà Đông.