Ngày 10/1, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Karaoke-Bar Nghệ An cho biết, vừa qua hiệp hội đã tổ chức nhiều cuộc họp, các hội viên đã cùng nhau ký đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Nghệ An để xin phép cho mở lại quán để hoạt động.
Hiện tại, do thời gian nghỉ dịch lâu nên ảnh hưởng rất lớn tình hình kinh tế của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Hàng nghìn lao động mất việc làm. Nếu như tiếp tục bị đóng cửa thì nguy cơ nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản.
“Ngày 27/12, hiệp hội đã gửi đơn lên UBND tỉnh Nghệ An, UBND TP Vinh cùng nhiều cơ quan, ban ngành liên quan. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng xem xét để cho hoạt động trở lại trong tình hình mới.
Hiện tại hầu hết người dân đã được tiêm vắc-xin, nhiều hoạt động kinh doanh tập trung khác cũng đã được hoạt động trở lại. Vì vậy, trong lĩnh vực kinh doanh này chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cho phép hoạt động trở lại. Tất nhiên, chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch của cơ quan y tế”, Chủ tịch Hiệp hội Karaoke-Bar nói.
Ông Đặng Hữu Thuận, Chủ quán Karaoke-Bar 48 cho hay, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh Karaoke-Bar đó là máy móc, thiết bị. Nếu lâu không sử dụng thiết bị sẽ hư hỏng, phòng ốc ẩm mốc. Chí phí để bảo dưỡng, bảo trì không hoạt động cũng rất lớn. Ngoài ra, hàng trăm nhân viên mất việc làm do quán không hoạt động.
“Hầu hết các thiết bị phòng karaoke đã lâu không được hoạt động nên hư hỏng, nhân viên không có việc làm. Gần 1 năm không hoạt động, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Tôi mong muốn cơ quan chức năng có thể cho phép hoạt động trở lại. Tôi cam kết sẽ tổ chức phòng dịch nghiêm ngặt”, ông Thuận nói.
Theo đơn kiến nghị, các ngành dịch vụ nói chung và Karaoke, Bar nói riêng đã phải đóng cửa từ khi dịch covid -19 xuất hiện (Đầu tháng 5/2021). Đến nay các ngành nghề khác được mở cửa trở lại như: Nhà hàng, quán ăn vỉa hè, GIM, cafe, quán ăn phòng kín tụ tập hàng trăm người. Riêng dịch vụ Karaoke, Bar chưa được mở trở lại; hàng nghìn lao động mất việc làm, nhiều cơ sở đứng trước nguy cơ phá sản.
Để xây dựng được một phòng Karaoke phải đầu tư hàng tỷ đồng, để tạo công ăn việc làm, nộp bảo hiểm cho người lao động, nộp tiền thuê đất, tiền thuế cho Nhà nước, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã vay ngân hàng số tiền rất lớn để đầu tư.
Gần 1 năm, phải đóng cửa, đồng nghĩa không có thu nhập, máy móc hư hỏng, xuống cấp; thực phẩm ẩm mốc, quá hạn sử dụng mà tiền lãi suất ngân hàng vẫn phải nộp, lao động thất nghiệp, nợ thuế, nợ ngân hàng, nợ bảo hiểm xã hội.
“Một thời gian nữa máy móc hư hỏng hết, lãi chồng lãi, nợ chồng nợ, đến lúc đất ở và nhà ở đều của ngân hàng vì chúng tôi không có khả năng trả nợ, rồi chúng tôi và gia đình phải đi đâu, về đâu, ở đâu khi hai bàn tay trắng”, trích đơn kiến nghị.
Theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính Phủ, chúng ta phát triển mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế; Quyết định số 3896 ngày 31/10/2021 của UBND tỉnh Nghệ An quyết định ban hành quy định tạm thời một số biện pháp phòng chống dịch Covid– 19 để “ Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid– 19” đối với từng cấp độ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thông báo số 477/TB-UBND ngày 16/12/2021 của UBND Thành phố Vinh về cấp độ dịch của Thành phố Vinh; hiện tại có 22 phường, xã cấp độ dịch ở cấp độ 1 và 3 phường ở cấp độ 2.
Hiệp hội Karaoke-Bar cũng cam kết, sẽ thực hiện đầy đủ các phương án phòng dịch do cơ quan y tế đưa ra và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, lĩnh vực Karaoke-Bar hiện nay tỉnh đang cân nhắc việc cho phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, cụ thể khi nào thì chưa có quyết định.
Được biết, ngày 10/1, UBND TP HCM cũng đã cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại. Các cơ sở đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch của UBND TP.HCM. Các địa phương thẩm định, cho phép hoạt động và kịp thời điều chỉnh hoạt động theo cấp độ dịch của từng địa phương.
Tại Hà Tĩnh, ngày 20/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã cho phép dịch vụ karaoke được hoạt động không quá 50% công suất của cơ sở và không quá 10 người/1 phòng tại một thời điểm.
Trong lĩnh vực Karaoke-Bar, Nghệ An được đánh giá là địa phương đầu tư quy mô, chất lượng đứng top đầu cả nước. Bên cạnh đó, nhu cầu người dân về lĩnh vực này cũng rất lớn./.