Trong tuần qua, những dòng thông tin về vụ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương.

ddc4302f9e6d77332e7c-1640433279.jpg

Theo thông tin từ C03, Phan Quốc Việt (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á) và những người của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit. Tính đến nay, công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.

Nhiều bạn đọc bức xúc trước kiểu làm lợi trên những mất mát mà người dân đang phải gánh chịu giữa cơn đại dịch COVID-19.

Nỗi đau giữa những đau đớn

Bạn đọc Trần Hùng bình luận: “Những tháng qua, người dân đang gồng mình chống chọi giữa đại dịch COVID-19, có biết bao đồng bào phải ra đi, hàng ngàn đứa trẻ phải chịu cảnh mồ côi vì dịch bệnh. Giữa những đau đớn ấy, đã có rất nhiều những tấm lòng hảo tâm trong xã hội gom góp vật chất, chia sẻ với nhau từng mớ rau, cân gạo. Cũng có không ít những người bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu chống dịch, sẻ chia với Nhà nước, với người bệnh. Vậy mà lại có những người đục nước béo cò, thổi giá kit xét nghiệm, giá thiết bị y tế để hưởng lợi bất chính. Lại có những kẻ sẵn sàng nhận phần trăm hoa hồng với số tiền lớn. Thật quá bất nhẫn!”.

Bạn đọc Nguyễn Hạnh nêu băn khoăn: “Giá cả bị thổi lên thì đã được các cơ quan xác định nhưng cái tôi quan tâm là chất lượng của sản phẩm có được bảo đảm. Công ty này rất nhỏ, cơ sở vật chất thì sơ sài, sợ rằng những kit xét nghiệm không chính xác thì quá nguy hiểm…”.

“Chính phủ đã nhiều lần cảnh báo sẽ nghiêm trị bất cứ kẻ nào trục lợi từ dịch COVID-19 nhưng họ vẫn cứ làm. Với kiểu kinh doanh không tình người như thế thì họ phải trả giá bằng một bản án thích đáng để làm gương” - bạn đọc Võ Trung ý kiến.

Phải làm rõ trách nhiệm cán bộ quản lý

Bạn đọc Hữu Khánh chia sẻ: “Tôi cho rằng một mình Phan Quốc Việt không thể làm được việc này nếu không có cán bộ kết nối để các vật tư được mua với số lượng nhiều, giá cao như vậy. Cơ quan công an phải điều tra tìm ra những ai đã bảo kê, ăn chia để xử lý đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm”.

Bạn đọc Mạnh Quỳnh cho rằng: “Đây là dịp để các ban, ngành rà soát lại toàn bộ quy trình đấu thầu, mua sinh phẩm y tế phục vụ cho việc chữa trị COVID-19. Nếu vụ việc bê bối này được điều tra, xử lý nghiêm, kể cả những người chống lưng (nếu có) thì người dân sẽ có lòng tin hơn nữa. Tôi và nhiều người mong chờ ngày đó!”.•

Nếu hậu kiểm sớm đã giảm thiệt hại đáng kể

2f6acd8163c38a9dd3d2-1640433357.jpg

Trước tình huống khẩn cấp với dịch bệnh COVID-19, việc cho các địa phương chủ động chỉ định thầu vật tư, thiết bị y tế… là cần thiết. Tuy nhiên, để xảy ra vụ việc thổi giá như Việt Á thì chúng ta cần đặt câu hỏi là cơ quan quản lý trực tiếp lĩnh vực mua sắm kit xét nghiệm là ai? Trường hợp này, cấp quản lý của Bộ Y tế là cơ quan nào? 

Nếu cơ quan quản lý khách quan, giám sát tốt và vào cuộc sớm thì chắc hẳn không thể có những sai phạm quá lớn buộc cơ quan điều tra phải vào cuộc. Nếu sự việc được kiểm tra sớm thì giá trị thật của kit xét nghiệm đã được trả lại; người tiêu dùng và ngân sách nhà nước đã giảm bớt những chi phí vô lý.

Về trách nhiệm của các cơ quan hậu kiểm thì Luật Phòng, chống tham nhũng có nêu: Những đơn vị đã thực hiện chức năng thanh tra, kiểm toán kết luận về vụ việc không có sai phạm nhưng sau đó vụ việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xác định rằng rất nghiêm trọng thì những cá nhân, tập thể đã tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trước đó phải chịu trách nhiệm.

Như vậy, trách nhiệm của các cơ quan hậu kiểm đã được nhìn thấy rõ. Lâu nay người dân chờ đợi các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kiểm tra thực hiện tốt nhiệm vụ, nhanh chóng phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra tại sao có những vụ việc được thanh tra, kiểm tra và kết luận nhiều lần nhưng đánh giá chưa tới mức, chưa chạm được vào sự thật.

Ông NGUYỄN ĐỨC SÁU, nguyên đại biểu Quốc hội,
Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM