Từ đầu tháng 1/2022, người đi làm ăn xa về quê ăn Tết đã được chính quyền xã Thanh Phong ở Thanh Hóa đưa vào các lều bằng tre, luồng được dựng sẵn trong khuôn viên nhà văn hóa thôn Quang Hùng cũ và Trung tâm văn hóa để làm nơi cách ly cho người thuộc diện cách ly khi trở về địa phương nhằm phòng chống Covid-19.
Được biết, xã đã dựng tất cả 3 khu lều, được chia thành 60 phòng riêng biệt rộng khoảng 5 m2/phòng, mỗi phòng cách ly 1 người. Trong các phòng được bố trí giường đơn, điện, và wifi miễn phí để phục vụ nhu cầu người dân.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Phong trả lời báo chí, do đặc thù xã miền núi nhà dân hầu hết không có phòng riêng, nhà riêng đảm bảo các điều kiện cách ly phòng chống dịch Covid-19, nên chính quyền đã họp với dân đi tới thống nhất làm lều cách ly cho người đi làm ăn xã về quê ăn Tết.
Đến thời điểm này địa phương đã có khoảng hơn 300 người về quê ăn Tết, trong đó có khoảng 200 người thuộc diện cách ly 7 ngày tại nhà, nhưng đều được cách ly ở lều hoặc nhà văn hóa thôn, vì nhà riêng không đảm bảo.
Trong thời gian cách ly, việc ăn uống được người thân, gia đình của người cách ly nấu rồi mang đến. Các đoàn thể của xã Thanh Phong cũng đã tổ chức nhiều buổi nấu ăn tập trung để hỗ trợ người cách ly. "Đây là việc làm linh hoạt để phòng chống dịch Covid-19 được người dân và những người cách ly về quê đồng thuận"- ông Tuấn thông tin.
Mặc dù vậy, việc dựng lều cách ly người về quê ăn Tết của chính quyền xã Thanh Phong cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng đây là việc làm cứng nhắc, phản cảm.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, theo quy định của Bộ Y tế và Nghị quyết 128 của Chính phủ thì “địa phương làm như vậy là không đúng”.
Bởi theo ông Phu, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Bộ Y tế đề nghị hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định.
“Bộ Y tế đã có văn bản rồi, địa phương phải làm theo, không thể dựng lều trại bắt người dân cách ly phản cảm như vậy được”, ông Phu nói.
Hơn nữa, Bộ Y tế cũng quy định không chỉ định xét nghiệm, cách ly không cần thiết mà chỉ xét nghiệm với người có điều tra dịch tễ và chỉ cách ly F1 tại nhà. Do đó, việc chính quyền dựng lán trại bắt người dân làm ăn xa trở về địa phương cách ly về mặt thực tễn là không cần thiết.
“Khi chúng ta đã chấp nhận "không Zero", đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thì chúng ta phải chấp nhận thực tế số ca mắc Covid-19 có thể tăng cao. Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19 trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro. Vì vây, chính quyền nên tạo điều kiện cho người dân về quê ăn Tết để giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, ông Phu nhìn nhận.
Cũng theo ông Phu, về mặt khoa học, địa phương cũng không đúng vì những người về quê ăn Tết không phải bị nhiễm Covid-19 mà bắt họ cách ly tại lán trại của xã dựng lên.
Trong khi đó, xét về mặt xã hội gây phản cảm, bức xúc trong dư luận, sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng, đó là tư tưởng cục đoan, phản cảm của địa phương.
Theo đó, địa phương đang không cập nhật chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế. Hiện nay, Việt Nam đã bao phủ vắc xin rồi nên địa phương cần bỏ ngay tư tưởng “zero Covid”.
Ông cho rằng việc yêu cầu người dân cách ly khi quê ăn Tết không có nhiều hiệu quả phòng chống dịch. Điều cốt lõi là cần thích ứng an toàn trong điều kiện mới và nâng cao thói quen phòng ngừa, giúp người dân được về quê đón Tết an toàn.
Theo đó, ông Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng khuyến cáo người dân cần tuân thủ quy định “5K” khi về quê ăn Tết.
Tương tự, PGS. TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý người dân khi về quê ăn Tết không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh. Dù thích ứng trong tình hình mới - không để giãn cách xã hội như trước, tuy nhiên người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập…/.