"Biết làm sao khi đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của một công dân khi Tổ quốc lên tiếng gọi. Mong sao, các chiến sĩ áo trắng được mạnh khỏe và bình yên. Rồi sẽ đến lúc chúng ta ca khúc khải hoàn", lời nhắn nhủ người thầy giáo ở Bắc Giang gửi tới vợ và các y bác sĩ đang trong tâm dịch.
Những ngày này, người dân cả nước đang ngày ngày chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Mọi người, mọi nhà đều đang tự giác nâng cao ý thức phòng chống dịch đặc biệt là người dân ở tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh.
Hình ảnh những nhân viên y tế, tình nguyện viên và những người tham gia chống dịch ướt đẫm mồ hôi, ngất xỉu trong lớp áo bảo hộ kín mít dưới cái nóng “cháy da, cháy thịt” của miền Bắc khiến nhiều người xót xa.
Trạm Y tế xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, nơi chị Nguyễn Thị Hồng (vợ thầy giáo Tùng) làm việc.
Hôm 26/5, thầy Tùng, giáo viên dạy Văn, trường THCS Mai Trung, (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), đã vô tình đọc được những dòng tâm sự của vợ anh là chị Nguyễn Thị Hồng đang tham gia chống dịch tâm sự với bạn rằng "mọi người đang rất mệt" khiến anh vô cùng xúc động.
"Chiều nay, cô bạn gửi cho mình tin nhắn của cô ấy tâm sự với vợ mình. Nội dung khiến mình thấy nhói lòng, cảm giác bất lực vì không thể san sẻ.
Mình cũng biết vợ lo lắng nhưng không muốn nói hoặc cố gắng giấu nó đi. Cũng chiều nay, mình phải tắt máy nhanh khi vợ gọi điện nói chuyện với con, vì mình sợ vợ sẽ khóc và mình biết cô ấy sẽ khóc vì nhớ con!
Nhưng biết làm sao khi đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của một công dân khi Tổ quốc lên tiếng gọi? Giặc dịch len lỏi, gieo rắc nỗi lo sợ khắp nơi nên không còn cách nào khác là phải chống dịch. Chúng ta chỉ mong sao, các chiến sĩ áo trắng được mạnh khỏe và bình yên. Rồi sẽ đến lúc chúng ta ca khúc khải hoàn", thầy Tùng viết trên mạng xã hội.
Ngày 1/6, liên hệ với thầy Tùng, anh cho biết sau khi xem được những dòng tâm sự của vợ do bạn cô ấy gửi thì anh bỗng nghẹn lại. Do đó, anh đã viết những dòng gửi đến vợ và toàn thể chiến sĩ đang chống dịch bệnh với mong muốn một giây phút nghỉ ngơi nào đó vô tình mọi người sẽ đọc được.
"Không ở bên cạnh vợ nên tôi viết những lời như vậy hy vọng một lúc nào đó, trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi, vợ cũng như các chiến sĩ áo trắng sẽ đọc được. Hy vọng sẽ làm dịu đi căng thẳng, nguy hiểm mọi người luôn phải đối mặt", thầy Tùng tâm sự.
Sau khi được đăng tải, bài viết đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, được nhiều người chia sẻ lại. Thầy Tùng cũng tỏ ra bất ngờ và nhận ra nhiều người có chung cảm xúc và gửi lời chúc đến đội ngũ chống dịch như mình.
“Hôm sau, khi cô ấy đọc được những dòng ấy thì bảo không nên viết như vậy vì những vất vả ấy chưa là gì so với đồng nghiệp và những người khác, tôi trêu bảo ‘đừng tưởng bở, có phải nhắn gửi riêng em đâu’, cô ấy cười”, thầy Tùng cười nhẹ khi kể lại câu chuyện của hai vợ chồng.
Hình ảnh vợ thầy Tùng cùng các y bác sĩ đang ngày đêm làm việc trong tâm dịch.
Chia sẻ về công việc của vợ, thầy Tùng cho biết khoảng 20 ngày nay, chị Hồng luôn bận rộn, ít có thời gian bên chồng con, gia đình. 10 ngày trở lại đây thì chị phải xa nhà khi ở hẳn lại trạm.
"Không có vợ ở nhà nên tôi cũng bận rộn hơn, khi sớm tối chăm 3 đứa con. Hai cháu đứa học lớp 6 và lớp 4 thì còn đỡ, còn bé út 21 tháng tuổi mới cai sữa mẹ, không quen ăn sữa ngoài nên tôi phải xay cháo lấy nước cho con ăn.
Hàng tuần, tôi dạy 5 buổi sáng các ngày trong tuần, dạy online theo lịch của nhà trường. Tối đến, tôi tranh thủ dành 1,5 đến 2 tiếng ôn thi miễn phí cho học sinh. Mấy hôm đầu vắng mẹ, chúng nó cứ ra ngóng vào trông lúc nào cũng giục bố gọi điện cho mẹ nhưng biết vợ đang bận nên tôi dặn các con đến tối mẹ rảnh thì gọi.
Vợ nơi tiền tuyến, thầy Tùng thêm bận bịu khi phải một mình chăm sóc 3 đứa con nhỏ.
Tối muộn tầm 22h30'-23h cô ấy về thì mới gọi điện, tôi để âm lượng điện thoại nhỏ rồi cho 2 đứa lớn ra sân nói chuyện với mẹ, tránh bé út thấy mẹ rồi tủi hờn mà khóc thương lắm”, thầy Tùng tâm sự.
Giờ đây thầy Tùng chỉ mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để chị Hồng cũng như tất cả mọi người có sức khoẻ, được về bên người thân, gia đình.