Gần đây có một số bạn có ý chê trách Việt Nam mới tiêm vắc xin được có 0,9% dân số, thấp nhất Đông Nam Á, thấp hơn cả Lào, Campuchia. Chê trách như vậy là có phần oan cho Bộ Y tế, cho Chính phủ đấy.
LTS: Như mong đợi của hàng chục triệu người dân Việt Nam, ngày 18/5, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 09 về việc mua vắc-xin phòng chống Covid-19. Những thông tin đầy căng thẳng về tối hậu thư “không chấp nhận đàm phán về giá và điều kiện hợp đồng” do công ty Pfizer đưa ra đã được giải tỏa. Từ đây, nguồn cung vắc-xin cho Việt Nam bắt đầu được khai thông.
Tỷ lệ từ dân số được tiêm vắc-xin từ 0,9% hiện nay đến tối thiểu 60%- 70% để đạt miễn dịch cộng đồng đã thấy rõ con đường được rút ngắn.
Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT đã có nhiều phân tích riêng về vấn đề thời sự này trên trang facebook cá nhân.
VietNamNet trân trọng giới thiệu tới độc giả góc nhìn của ông:
Hiện tại các quốc gia tiêm vắc xin được chia làm 4 nhóm sau:
Nhóm 1: Của nhà trồng được. Đó là các quốc gia sở hữu vắc xin do họ tự nghiên cứu, tự sản xuất. Do vậy, họ ưu tiên sản xuất và cung cấp cho họ trước, đó là Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc...
Nhóm 2: Các quốc gia tham gia thử nghiệm vaccine, tham gia sản xuất vắc xin, bao gồm: Ấn Độ, Brazil, Indonesia, UAE, Hàn Quốc....
Nhóm 3: Các quốc gia đặt cược, là những quốc gia dám đặt cược vào một loại vắc xin ngay khi vắc xin mới đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được phê duyệt. Họ ký hợp đồng mua trước, đặt tiền trước, nếu vắc xin thử nghiệm thành công, họ được ưu tiên mua theo hợp đồng, nếu thử nghiệm không thành công, họ mất tiền. Nhóm này có Israel, Singapore và một số nước. Muốn đặt cược đầu tiên phải có tiền, sau đó là dám mạo hiểm (Đều là các nước giàu có).
Nhóm 4: Nhóm các nước còn lại. Nhóm này không được ưu tiên mua vắc xin, dù có bỏ tiền mua, sau khi vắc xin đã được phê duyệt (Vì Chính phủ không dám đặt cược đặt từ khi vắc- xin còn đang thử nghiệm).
Cho đến thời điểm này, các nước nhóm 4 chỉ trông chờ vào hai nguồn là vắc xin ngoại giao (chủ yếu Sinopharm của Trung Quốc) và vắc xin tài trợ theo chương trình Covax.
Việt Nam chúng ta thuộc nhóm 4.
Chúng ta không nhận vắc xin ngoại giao của Trung Quốc, chúng ta chỉ có nguồn duy nhất là nguồn tài trợ của Covax. Trong khi, Covax lại phân phối theo nguyên tắc: nước đang bị dịch nặng hơn được ưu tiên cấp nhiều vaccine hơn.
Trong các nước nhóm 4, Việt Nam chúng ta thuộc nhóm chống dịch tốt nhất, dịch không bùng phát, thế nên, chúng ta được Covax phân phối ít hơn, chậm hơn.
Các quốc gia Đông Nam Á hoặc là có dịch bùng phát lớn hơn (Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar, Brunei, Timor Leste), được Covax ưu tiên hơn hoặc là nhận vắc xin ngoại giao Sinopharm của Trung Quốc, nên họ nhận được nhiều vắc xin hơn, họ tiêm được nhiều hơn chúng ta.
Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã tiêm hết số vắc xin Covax tài trợ (hơn 900 nghìn liều), vừa mới nhận thêm 1,7 triệu liều Covax mới.
Và giờ đây, chúng ta chính thức có hợp đồng mua 31 triệu liều vắc xin Pfizer của Mỹ (31 triệu liều trong đợt 1 và 20 triệu liều đợt 2; dự kiến 31 triệu liều sẽ về Việt Nam trong quý 3 hoặc quý 4 năm nay nhưng vẫn phụ thuộc vào nguồn cung ứng của Pfizer – PV). Có lẽ từ nay chúng ta chuyển sang thế chủ động, không ở thế bị động về vắc xin nữa.
Thử phác thảo kế hoạch 10 tháng tiêm vắc xin cho 60 triệu người
Tuy nhiên, có một số bạn lo ngại rằng phải đến tận năm 2023- 2024, Việt Nam mới đạt được miễn dịch cộng đồng (khi có ít nhất 60% người dân được tiêm 2 mũi vắc xin), đồng nghĩa rằng Việt Nam sẽ chậm chân hơn các quốc gia khác trong việc hồi phục kinh tế sau đại dịch.
Lo ngại trên dựa trên cơ sở tốc độ tiêm vắc xin của Việt Nam trong hơn 2 tháng qua rất chậm. Đến thời điểm này chúng ta mới tiêm được có 977.000 liều, tương đương 1% dân số.
Tôi cho rằng không phải vậy. Thực ra hơn 2 tháng qua chúng ta tiêm vắc xin chậm là do ngành y tế vừa tiêm vắc-xin vừa thăm dò các tác dụng phụ của vắc xin, đặc biệt là do nguồn vắc-xin được Covax cung cấp ít (do Việt Nam chống dịch tốt, Covax ưu tiên cho các nước bị Covid nặng hơn).
Giờ đây, nguồn cung vắc xin đã bắt đầu được khai thông, tôi cho rằng Việt Nam chúng ta sẽ đẩy rất nhanh tốc độ tiêm vaccine.
Tôi thử làm kế hoạch tiêm vắc xin cho 60 triệu người trong 10 tháng, từ 06/2021 đến 03/2022 và thấy rằng kế hoạch hoàn toàn khả thi:
- 10 tháng, tiêm 60 triệu người - 120 triệu liều
- Mỗi tháng tiêm 12 triệu liều
- Mỗi ngày tiêm 400.000 liều
- Mỗi tỉnh tiêm 6.349 liều ngày (TB)
- Mỗi quận, huyện tiêm 571 liều ngày.
- Mỗi phường, xã tiêm 38 liều ngày.
Với mạng lưới y tế của Việt Nam xuống tận phường xã thì việc tiêm vắc xin dù ở cấp quận huyện hay phường xã với số mũi tiêm mỗi ngày như trên không thành vấn đề, hoàn toàn nằm trong năng lực của hệ thống y tế Việt Nam.
Vậy vấn đề lớn nhất, mà ngành y tế cần chuẩn bị chính là:
Thứ nhất, đảm bảo nguồn cung vaccine, điều tiết tiến độ nhập 39 triệu liều Covax và 31 triệu liều Pfizer, cần mua thêm khoảng 30 triệu liều (AstraZeneca hoặc Sputnik), tổ chức sản xuất 30 triệu liều vaccine Việt Nam nếu thử nghiệm giai đoạn 3 thành công (dự kiến 08/2021).
Thứ hai, đảm bảo công tác bảo quản, vận chuyển, qui trình tiêm vaccine và qui trình khám sàng lọc, qui trình cấp cứu sốc phản vệ cùng thuốc chữa sốc phản vệ
Thứ ba: đảm bảo nguồn ống và kim tiêm cho 120 triệu.
Toàn thể người dân Việt Nam chúng ta hãy sát cánh với Chính phủ và ngành y tế vì mục tiêu: Đạt miễn dịch cộng đồng, tiêm đủ 120 triệu liều vaccine cho 60 triệu người dân trước 31/03/2022 (hay phấn đấu hoàn thành trước tết Nhâm Dần 30/01/2022), sớm đưa cuộc sống, đưa các hoạt động trở lại bình thường.