Các cơ quan chủ quản đã miễn nhiệm chức vụ 2 trường hợp; 14 người khác bị kiểm điểm, khiển trách; đang xem xét kiểm điểm 43 người khác.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng đối với các bị can trong vụ sai phạm ở Đại học Đông Đô (có trụ sở chính tại: KM25, quốc lộ 6A, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội và cơ sở đào tạo chính tại: 60B Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội).

Theo đó, từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Trần Khắc Hùng - Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Đô và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp (429 bằng giả và 2 giấy giả chứng nhận hoàn thành chương trình học), thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.

Dùng bằng giả Đại học Đông Đô: Miễn nhiệm 2 người, kỷ luật hàng loạt người
Đại học Đông Đô (ảnh minh họa)

210 người sử dụng bằng giả để làm nghiên cứu sinh, thi tuyển công chức, viên chức

Cơ quan điều tra đã điều tra làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và việc sử dụng bằng giả để kiến nghị xử lý theo quy định.

Theo bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, việc sử dụng văn bằng, giấy chứng nhận giả đã được xác định cụ thể.

Theo đó, trong số 210 trường hợp được cấp bằng, giấy chứng nhận giả, có 76 người đã sử dụng. Trong đó: 67 trường hợp sử dụng làm nghiên cứu sinh và 9 trường hợp sử dụng vào mục đích khác (2 để học thạc sỹ, 4 để kê khai hồ sơ công chức, viên chức, 1 để thi tuyển công chức, 1 để thi nâng ngạch công chức, 1 thi thăng hạng viên chức).

Cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị cơ quan chủ quản xem xét, xử lý trách nhiệm của công chức, viên chức, đảng viên được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả; đồng thời, kiến nghị các cơ sở đào tạo xem xét, hủy kết quả sử dụng văn bằng giả, kết quả như sau:

Đối với 67 trường hợp sử dụng làm nghiên cứu sinh: Cơ quan chủ quản đã xử lý 2 trường hợp miễn nhiệm chức vụ; 14 trường hợp cảnh cáo, khiến trách, kiểm điểm; 6 trường hợp tự kiểm điểm và nhận lỗi; 2 trường hợp lao động tự do nên không kiến nghị xử lý; 43 trường hợp đang xem xét kiểm điểm trách nhiệm, chưa có thông báo kết quả xử lý.

Các cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh đã hủy kết quả và không công nhận kết quả nghiên cứu sinh 31 trường hợp; tự nghỉ học xin rút hồ sơ 24 trường hợp; chưa đủ điều kiện bảo vệ, đang học và thi bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ 5 trường hợp; chưa nhận được kết quả xử lý 7 trường hợp.

Đối với 9 trường hợp sử dụng vào các mục đích khác, gồm: 2 trường hợp học thạc sỹ (1 trường hợp xin rút hồ sơ học thạc sỹ, cơ quan chủ quản kiểm điểm, không xem xét thi đua năm 2020-2021, 1 trường hợp bị cơ sở đào tạo thu hồi bằng thạc sỹ và cơ quan chủ quản kỷ luật cảnh cáo); 4 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ (1 trường hợp đã bị cơ quan chủ quản phê bình, 3 trường hợp chưa nhận được kết quả xử lý);

1 trường hợp sử dụng thi nâng ngạch thanh tra viên (đã xin rút kết quả thi và được chấp nhận); 1 trường hợp thi tuyển công chức (Cơ quan chủ quản không công nhận kết quả thi, đã nghỉ việc); 1 trường hợp sử dụng thi thăng hạng viên chức (Cơ quan chủ quản đã thu hồi quyết định thăng hạng viên chức).

221 người được cấp bằng giả là ai? ở đâu?

Trong số 431 trường hợp 429 văn bằng, chứng chỉ giả mà đại học Đông Đô đã cấp cho học viên, ngoài 210 người đã xác định được rõ nhân thân, nơi công tác thì vẫn còn 221 người chưa xác định được bởi trong danh sách của trường Đại học Đông Đô chỉ có họ tên, không có các dữ liệu như quê quán, nơi công tác...

Do thiếu các dữ liệu nên cơ quan điều tra hiện không xác định được những người này để có biện pháp xử lý.

Theo cáo trạng, Đại học Đông Đô không được phép đào tạo văn bằng 2 nhưng năm 2017, Trần Khắc Hùng, cựu Chủ tịch nhà trường chỉ đạo Ban giám hiệu ký các thông báo tuyển sinh văn bằng 2 hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh.

Ông Hùng sau đó phát hiện nhiều người có nhu cầu lấy bằng nhanh để hoàn thiện đầu vào, đầu ra nghiên cứu sinh; học thạc sĩ; thi công chức, nâng ngạch nên đã tổ chức họp Ban giám hiệu đưa ra chủ trương làm và cấp văn bằng 2 Tiếng Anh không qua tuyển sinh, đào tạo.

Bài thi bắt buộc được hợp thức bằng cách phát đề kèm đáp án cho học viên chép, cá biệt có trường hợp không phải làm bài thi. Những học viên sau khi hoàn thiện bài thi và nộp đủ tiền sẽ được cấp bằng.

Theo cáo trạng, từ năm 2018-2019, Trần Khắc Hùng và các bị can 12 lần tổ chức hợp thức hồ sơ, cấp 429 bằng giả và 2 giấy giả chứng nhận hoàn thành chương trình học. Cơ quan điều tra làm rõ, thu hồi được 130 văn bằng giả và xác định 54 người khác tự thiêu hủy nên không thể giao nộp.

Trong vụ án, Trần Khắc Hùng bị xác định có vai trò chủ mưu trong vụ khi khởi xướng, tổ chức và chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, Trần Khắc Hùng đã bỏ trốn và đang chịu lệnh truy nã nên sẽ bị xử lý sau./.