Ngày 28/6/2021 Bộ Quốc phòng Đức đã ký hợp đồng trị giá 1,04 tỷ euro để nâng cấp lô 154 xe chiến đấu bọc thép Puma, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 7/2021 và hoàn thành vào năm 2029.

Nâng cấp lô xe chiến đấu bọc thép Puma

Theo hợp đồng, liên doanh PSM GmbH Rheinmetall và Krauss-Maffei Wegmann chịu trách nhiệm chuyển lô gồm 154 chiếc trong số 350 xe chiến đấu bộ binh (Infantry Fighting Vehicle - IFV) Puma hiện có của Quân đội Đức lên chuẩn S1, cùng tùy chọn hiện đại hóa thêm 143 chiếc Puma còn lại (820 triệu euro); 13 chiếc Puma phục vụ đào tạo lái xe không nằm trong chương trình hiện đại hóa. Lực lượng đa nhiệm sẵn sàng chiến đấu cao High Readiness Joint Task Force 2023 của VJTF NATO sẽ được trang bị 40 chiếc IFV Puma được nâng cấp này.

Đức vung tiền nâng cấp xe chiến đấu bọc thép Puma
Xe chiến đấu bọc thép Puma được phát triển để thay thế những chiếc Marders hơn 40 năm tuổi. Nguồn: defenceprocurementinternational.com

Phiên bản S1 của Puma được đặc trưng bởi việc tích hợp hệ thống tên lửa dẫn đường hạng nhẹ đa nhiệm (multi-role lightweight guided missile system - MELLS); các cảm biến bổ sung cho hệ thống quan sát của lái xe, hệ thống điều khiển được cải tiến, toàn bộ kíp xe có thể “nhìn xuyên” vỏ giáp, cả ngày lẫn đêm. Với vũ khí và công nghệ thông tin liên lạc tiên tiến hơn, biến thể này đã được đưa vào hoạt động tháng 3/2021, sau khi hoàn thành quá trình đánh giá chiến thuật lần thử thứ hai.

Được kết hợp với phiên bản VJTF 2023 hệ thống người lính tương lai của Rheinmetall (Rheinmetall’s Future Soldier), Hệ thống bộ binh mở rộng (Expanded System infantry - IdZ-ES), phiên bản S1 của Puma là lần đầu tiên tại Đức, và là phương tiện chiến đấu đầu tiên của phương Tây tích hợp hệ thống liên kết một nền tảng kỹ thuật số hóa với một hệ thống công nghệ vô tuyến kỹ thuật số của người lính - như một tiêu chí tiêu chuẩn.

Puma (trước đây còn được đặt tên là Igel và Panther) bắt đầu như một dự án tiếp theo của dự án “Nền tảng bọc thép mới” NGP (Neue Gepanzerte Plattformen) năm 1996 của Đức. Các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn được đưa vào khái niệm chiến thuật mới mang tên “IFV mới” (Neuer Schützenpanzer) vào năm 1998; việc lập kế hoạch để Puma trở thành người kế nhiệm xe bọc thép Marder bắt đầu vào năm 2002.

Mục đích của nó là thu thập các ý tưởng về một phương tiện cơ sở chung có thể được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau bao gồm xe bọc thép chở quân (Armoured Personnel Carrier - APC), xe chiến đấu bộ binh (IFV), phòng không và thay thế, hỗ trợ xe tăng chiến đấu chủ lực (Main Battle Tank - MBT) trong chiến đấu; NGP đã kết thúc vào năm 2001.

Quân đội Đức đã đặt hàng sản xuất 5 phương tiện cùng các dịch vụ hậu cần và huấn luyện, sản phẩm được chuyển giao vào cuối năm 2004. Ngày 8/11/2007, ngân sách 3 tỷ euro để mua 405 Pumas (ngoài 5 chiếc đã được chuyển giao cho Quân đội Đức để thử nghiệm) đã được thỏa thuận. Puma là một loại IFV Đức, được thiết kế để thay thế những chiếc IFV Marder cũ đang có trong biên chế Quân đội Đức, được bắt đầu sản xuất hàng loạt ngày 6/7/2009.

Puma đã qua các thử nghiệm trong điều kiện thời tiết lạnh ở Na Uy vào năm 2012. Tháng 8/2013, 2 chiếc Puma đã được vận chuyển đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất để thử nghiệm thời tiết nóng. Các bài thử nghiệm bao gồm khả năng phù hợp với các hoạt động thời tiết nóng, bắn và lái xe trong điều kiện sa mạc, cũng như đánh giá hỏa lực và khả năng cơ động. Ngày 13/4/2015, Văn phòng Liên bang về Thiết bị, Công nghệ Thông tin và Hỗ trợ của Đức đã cấp phép sử dụng IFV Puma.

Tích hợp công nghệ hiện đại

Chính thức đi vào phục vụ quân đội Đức vào ngày 24/6/2015, Puma là một trong những IFV được bảo vệ tốt nhất thế giới, trong khi vẫn có tỷ lệ sức mạnh trên trọng lượng xe cao. Việc sản xuất lô 350 xe đầu tiên bắt đầu vào năm 2010 và dự kiến thay thế những chiếc Marders hơn 40 năm tuổi vào quý 3 năm 2020, sẵn sàng hoạt động vào năm 2024. Kinh phí lô Puma thứ hai gồm 210 chiếc đã được phân bổ.

Đức vung tiền nâng cấp xe chiến đấu bọc thép Puma
Puma đang được Đức nâng cấp lên chuẩn S1 - liên kết một nền tảng kỹ thuật số hóa với hệ thống công nghệ vô tuyến kỹ thuật số của người lính. Nguồn: wikipedia.org

Mặc dù bên ngoài không khác nhiều so với các IFV hiện có, nhưng Puma tích hợp một số tiến bộ và công nghệ hiện đại. Rõ ràng nhất là khả năng kết hợp linh hoạt để gắn các bộ giáp khác nhau, cabin kíp xe nhỏ gọn, cho phép các thành viên tương tác trực tiếp với nhau và giảm thiểu khoang phải bảo vệ; được trang bị máy lạnh, chống NBC với các cảm biến hạt nhân và hóa học bên trong; có hệ thống sử dụng các tác nhân không độc hại để dập lửa; khoang máy có hệ thống chữa cháy riêng.

Puma sử dụng tháp pháo không người lái không đối xứng, nằm ở bên trái, trong khi pháo chính được lắp ở phía bên phải tháp pháo. Phương tiện sẵn sàng chiến đấu trong cấu hình cơ sở của nó sẽ có thể được vận chuyển bằng máy bay chiến thuật Airbus A400M. Kíp xe 3 + 6 người của nó có thể so sánh với các phương tiện khác có trọng lượng tương đương, như M2 Bradley IFV của Mỹ, giống như trong Marder, nhưng nhỏ hơn 3 + 8 của CV9030 và CV9035.

Vũ khí trang bị chính của Puma là pháo tự động Rheinmetall 30 mm MK 30-2/ABM, có tốc độ bắn 200 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 3.000 m. Hộp đạn 30×173 mm nhỏ hơn mang có thể tiết kiệm trọng lượng, hệ thống nạp đạn bằng băng cũng cho phép có một số lượng lớn các viên đạn sẵn sàng bắn, trong khi những khẩu 40 mm chỉ có thể có 24 viên trên mỗi băng đạn.

Hiện tại có hai loại đạn - APFSDS-T (Armor Piercing, Fin Stabilized, Discarding Sabot – Tracer) cỡ nòng bé, có khả năng xuyên phá cao, chủ yếu được sử dụng để chống lại các phương tiện bọc thép hạng trung; và đạn KETF (Kinetic Energy-Timed Fuse) cỡ nòng đầy đủ, đa mục đích, được thiết kế với khả năng nổ trong không khí (tùy thuộc vào ngòi nổ) để phóng ra của các loại đạn con. Cơ số đạn 400 viên với 200 viên sẵn sàng để bắn và 200 viên để dự trữ.

Việc giữ trọng lượng trong giới hạn 35 tấn dẫn đến việc trang bị vũ khí thứ cấp có cỡ nòng nhỏ hơn - súng máy HK MG4 5,56 mm đồng trục, có tốc độ bắn 850 phát/phút và tầm bắn hiệu quả 1.000 m, cơ số đạn 2.000 viên với 1.000 viên sẵn sàng khai hỏa và 1.000 viên để dự trữ. Mặc dù đây là loại vũ khí nhỏ hơn so với vũ khí tiêu chuẩn của phương Tây (MG cỡ nòng 7,62 mm), nhưng có lợi thế là kíp xe có thể sử dụng loại đạn cùng súng cá nhân của họ. Trong những năm tới, MG4 sẽ được thay thế bằng MG5.

Để chống lại xe MBT, trực thăng và các mục tiêu cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như boongke, các xe Puma của Đức được trang bị một bệ phóng tên lửa Spike LR gắn trên tháp pháo, mang hai tên lửa, có tầm bắn hiệu quả lên đến 4.000 m và có thể được phóng ở chế độ “bắn và quên” hoặc “bắn và theo dõi”. Ngoài ống phóng thông thường với 8 lựu khói, còn có một ống phóng 76 mm với 6 quả lựu khói ở phía sau xe để phòng thủ tầm gần./.