Theo một dự thảo luật được hãng tin AFP tiếp cận hôm 14/11, Đức chuẩn bị áp dụng trở lại quy định làm việc tại nhà, khi nước này nỗ lực đối phó làn sóng lây nhiễm Covid-19 chưa từng có.
Quy định làm việc tại nhà đã được các nhà chức trách Đức dỡ bỏ hồi đầu tháng 7. Đức áp dụng lại quy định này trong bối cảnh quốc gia châu Âu đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4 ngày càng lan rộng.
Theo dự thảo, các chủ doanh nghiệp ở Đức sẽ yêu cầu người lao động làm việc tại nhà nếu không có lý do chính đáng để đến văn phòng.
Bất kỳ ai tới văn phòng cũng được yêu cầu chứng minh tình trạng tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.
Chính phủ Đức cũng đang xây dựng kế hoạch nhằm cho phép những người đã tiêm vaccine, khỏi Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính tới một số sự kiện nhất định.
Theo số liệu do Viện Robert Koch công bố hôm 15/11, tỷ lệ mắc Covid-19 tại Đức đã tăng lên 303 ca nhiễm/100.000 người - mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tỷ lệ được ghi nhận một ngày trước đó là 289 ca/100.000 người.
Đức từng được coi là hình mẫu ứng phó Covid-19, duy trì tỷ lệ tử vong ở mức thấp bằng cách nhanh chóng triển khai xét nghiệm diện rộng, nâng cao năng lực của hệ thống y tế. Mặc dù vậy, Đức vẫn không tránh được làn sóng lây nhiễm tái bùng phát mạnh.
Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm hơn 23.600 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên hơn 5 triệu người.
Đức cũng ghi nhận thêm 43 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại nước này lên hơn 98.000 trường hợp.
Tình hình tại các bệnh viện ở Đức cũng bắt đầu căng thẳng hơn. Mặc dù số bệnh nhân Covid-19 thể nặng nhập viện không cao như cách đây một năm do có sự bảo vệ của vaccine, nhưng con số này cũng đang tăng dần.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Đức Christian Drosten cảnh báo, nếu không hành động hơn nữa để ngăn dịch bùng phát vượt tầm kiểm soát, Đức có thể ghi nhận thêm 100.000 người tử vong do Covid-19 trong vài tháng tới.
Đức đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ cho 67% dân số trưởng thành, nghĩa còn 1/3 dân số trưởng thành vẫn chưa tiêm chủng, trong đó nhiều người có bệnh nền khiến họ dễ biến chứng nặng nếu mắc Covid-19. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Đức thuộc nhóm thấp nhất ở Đông Âu, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực khoảng 80-90%.
Ngoài những người chưa tiêm chủng, điều đáng lo ngại khác là những người đã tiêm chủng đợt đầu từ khoảng cuối năm 2020 đến đầu năm 2021.
"Với những người này, hiệu quả của mũi tiêm thứ hai, tiêm cách đây 6 tháng, bắt đầu suy giảm, khả năng bảo vệ cơ thể trước virus bị giảm đi", Ralf Reintjes, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Khoa học Ứng dụng ở Hambourg, cho biết.
Tỷ lệ tiêm chủng ở Đức có dấu hiệu chững lại những tháng gần đây. Không giống các quốc gia châu Âu khác, Đức chỉ yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với những đối tượng lao động nhất định và đang phải ra sức thuyết phục người dân tự nguyện tiêm chủng./.