Theo thông tin ban đầu, tối ngày 18/9, Tuấn được một người ở TP HCM yêu cầu đi đón 16 người để đưa qua Campuchia với giá 12 triệu đồng tiền công.

Đón được người, Tuấn đưa tất cả về nghỉ ở nhà trọ Huyền Trân (xã Phước Hưng, huyện An Phú). Đến tối 19/10, một người được xe ôm chở đi còn Tuấn trực tiếp điều khiển ô tô chở 6 người đến khu vực ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình để Long tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. Khi tới khu vực ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội, huyện An Phú thì bị Công an huyện An Phú và lực lượng của các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh An Giang phát hiện. Tiến hành kiểm tra nhà trọ trên, lực lượng công an phát hiện còn 9 người còn lại. Được tin Tuấn bị bắt, Long cũng ra đầu thú.

Cả hai thừa nhận trước đó cũng đã đưa trót lọt 4 người xuất cảnh trái phép sang Campuchia vào ngày 17/10.

xuat-canh-ag-ouyt-1634853482.jpg
7 đối tượng chưa kịp xuất cảnh trái phép bị phát hiện (Ảnh: cơ quan Công an cung cấp)

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Nguyễn Thế Bách, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết theo quy định của pháp luật, hình phạt tối đa với người phạm tội “Tội tổ chức, môi giới cho người xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” là 15 năm tù giam nếu thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; hoặc làm chết người.

Hiện dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Có thể khẳng định hành vi tổ chức đưa người người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đưa người trong nước xuất cảnh trái phép không chỉ là mối nguy hại cho những nỗ lực phòng, chống dịch không biết mệt mỏi của cả dân tộc Việt Nam mà còn liên quan đến an ninh, trật tự quốc gia, quan hệ đối ngoại.

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách khẩn trương, quyết liệt để khởi tố, điều tra và xét xử nghiêm khắc đường dây tội phạm nói trên theo quy định tại Điều 348, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về “Tội tổ chức, môi giới cho người xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.

Cụ thể, người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên; đối với từ 05 người đến 10 người; có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm.

Hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, tại Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình, nếu có đủ cơ sở xác định trong nhóm người trên có hành vi tẩy, xóa, sửa chữa hoặc làm sai lệch hình thức, nội dung ghi trong hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu, thị thực, thẻ tạm trú và thẻ thường trú, sử dụng hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu của người khác để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh thì có thể phạt tiền tới 5.000.000 đồng.

Còn đường dây gồm Tuấn, Long và đối tượng ở TP HCM, cũng có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng do đã thực hiện hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép.

Luật gia Nguyễn Thế Bách cho rằng, để đáp ứng được công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm cũng như thống nhất trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì Hội đồng Thẩm phán toà án Nhân dân tối cao cần sớm có hướng dẫn cụ thể hơn về loại tội này, trên cơ sở Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19./.