Mặc dù sinh thành được 7 người con nhưng cụ ông U80 vẫn ngày ngày oằn lưng nhổ đinh ở các công trường xây dựng để kiếm tiền mưu sinh, nuôi vợ bệnh nặng.
 
Mặc dù sống giữa chốn phồn hoa đô thị của thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), thế nhưng cuộc sống của cặp vợ chồng tuổi xế chiều lại chẳng mấy an dưỡng tuổi già. Cụ ông Phạm Văn Thi (80 tuổi) cùng vợ chỉ biết nương tựa vào nhau, sống tạm bợ trong căn nhà trống huơ trống hoác, không có nổi một món tài sản giá trị.
 
Được biết, bà Ứng (vợ của ông Thi) thường xuyên đau ốm do bệnh tiểu đường hoành hành suốt 15 năm nay, hơn nữa túi mật đã bị cắt và gan cũng không được tốt. Do đó, trái ngược với sự khỏe mạnh, hoạt bát của ông Thi, bà Ứng trông gầy gò, ốm yếu hơn, thậm chí còn bị lãng tai.
 
Cụ ông nhổ đinh nuôi vợ bị bệnh này chia sẻ rằng, hai ông bà trước đây làm ngư nghiệp, cả tuổi trẻ lênh đên sông nước. Chỉ tới khi sức khỏe suy yếu, ông bà mới tìm cách lên bờ. Ngoài ra, gia đình ông sinh được 7 người con, bao gồm 3 trai và 4 gái. Năm 1999, 2 cô con gái của vợ chồng ông Thi không may bị lừa bán sang Trung Quốc, 2 người con gái còn lại hiện đã lập gia đình ngay trong thành phố TP. Cẩm Phả. Còn 3 người con trai của ông một anh đã có gia đình riêng, sống chung ngõ với vợ chồng ông, 2 người còn lại nối nghiệp sông nước.


 
Bà Điền thường xuyên ốm yếu và bị nghênh ngãng.
 
Mặc dù đông con là vậy, nhưng kể tới đây ông Thi không khỏi chạnh lòng: “Chỉ có bố mẹ nuôi được con chứ con sao nuôi được bố mẹ. Mẹ chúng nó ốm từ đầu tháng rồi chúng nó có thèm hỏi han gì đâu!”
 
Do cuộc sống của con cháu cũng chẳng mấy dư giả nên họ chỉ biếu ông bà được tổng cộng 400.000 đồng, cộng thêm khoản tiền trợ cấp dành cho người cao tuổi là 700.000 đồng. Với số tiền ít ỏi này, đến tiền thuốc men cho bà Ứng còn khó có thể chi trả chứ chưa nói đến tiền ăn uống của hai vợ chồng già.
 
Do đó, ông Thi đã xin các chủ công trình xây dựng cho ông làm công việc nhổ đinh từ các tấm gỗ cốp pha. Cụ ông chia sẻ: “Mỗi ngày nếu cật lực tôi nhổ được khoảng 4kg đinh, mỗi kg đinh được trả 8 ngàn đồng thì cũng đã được 32 ngàn đồng. Cộng thêm với tiền công khoảng hơn 100 ngàn cũng đỡ đần được nhiều thứ”.


 
Chân dung người đàn ông ngày ngày đi nhổ đinh để kiếm tiền mưu sinh, chữa bệnh cho vợ bị bệnh.
 
Thế nhưng, nguồn thu nhập này không hề ổn định bởi không phải lúc nào ông Thi cũng có việc, chưa kể những công trình ở xa hay khi ốm đau ông đành lực bất tòng tâm. Thấy chồng mình nhiều hôm mồ hôi đầm đìa, mặt đỏ linh căng, mệt mỏi trở về nhà sau khi nhổ đinh giữa tiết trời nắng nóng khiến bà Ứng chỉ biết rơm rớm nước mắt thương chồng.
 
Với hoàn cảnh khó khăn của ông bà Thi, chính quyền địa phương phối hợp cùng các đoàn thể không chỉ hỗ trợ tiền mỗi tháng, mà còn tổ chức sửa chữa nhà cho họ, gần đây nhất là thay mới lại toàn bộ mái tôn để che nắng, che mưa cho hai ông bà.
 
Câu chuyện về cụ ông đi nhổ đinh để kiếm tiền nuôi vợ bị bệnh khiến nhiều người không khỏi rưng rưng nước mắt khi biết đến số phận ngặt nghèo của họ. Cả cuộc đời tảo tần nuôi con, thế nhưng khi về già lại chẳng được hưởng phúc phần dù sinh tới 7 người con.


 
Căn nhà của ông bà không có nổi một món đồ giá trị.
 
Quả không sai khi nói: “1 mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con không nuôi nổi 1 mẹ”. Dẫu biết rằng đôi khi người ta bị quấn vào vòng quay cơm áo gạo tiền, lại phải chăm lo cho gia đình riêng. Thế nhưng, đến một câu hỏi thăm, phụng dưỡng cha mẹ già cũng khó khăn tới vậy sao?
 
Câu chuyện của cụ ông nhổ đinh thuê để nuôi vợ ốm toát lên nét đẹp của người lao động và tình yêu chân thành mà ông dành cho bà. Dù khổ cực là vậy nhưng họ vẫn nương tựa vào nhau đến tận những giây phút cuối cùng.
 
Có thể thấy rằng điều đáng quý hơn cả mà vàng bạc cũng không thể mua nổi, đó chính là sự thiên lương của hai ông bà để con cháu đời sau kính nể và sống chung thủy để bạn đời yêu thương.