Phó Chủ tịch tỉnh nói có

Như Đại Đoàn Kết Online đã phản ánh, vào năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn khi đang giữ chức Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, với tư cách chủ đầu tư đã ký quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán sai lệch so với Quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

1-1663642753.jpg
Tổ công tác do UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo kiểm tra tuyến đường 02 của Dự án đường lâm nghiệp.

Dự án có tên “Dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường phục vụ sản xuất lâm nghiệp, phát triển rừng và bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, tỉnh Hà Tĩnh (giai đoạn 1)”, sau đây gọi tắt là Dự án đường lâm nghiệp.

Tổng mức đầu tư dự án 59,62 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Trung ương 20 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh và nguồn dự án khác.

Quyết định phê duyệt do ông Đặng Ngọc Sơn ký là Quyết định số 4399/QĐ-SNN, ngày 31/10/2014. Quyết định này được đoàn công tác do UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo xác định: Thiết kế bản vẽ thi công - dự toán “chưa đúng với hồ sơ thiết kế cơ sở đã được phê duyệt tại Quyết định số 3235/QĐ-UBND ngày 31/10/2012 của UBND tỉnh”.

Đồng thời, “chưa phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 52, Luật Xây dựng 2003 (thiết kế xây dựng công trình phải đảm bảo phù hợp với dự án dầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt)”.

Cụ thể, tại Dự án đường lâm nghiệp, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tuyến 02 ở xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) với chiều dài 2.360,62m. Còn thiết kế bản vẽ thi công - dự toán do ông Đặng Ngọc Sơn phê duyệt thì chuyển sang xã Hương Vĩnh, chiều dài 6.636,91m.

Việc phê duyệt sai lệch này dẫn đến hệ quả là Dự án đường lâm nghiệp đã hoàn thành đưa vào sử dụng 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể quyết toán hoàn thành.

Không những vậy, tổ công tác của UBND tỉnh Hà Tĩnh còn xác định, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công - dự toán tại Văn bản số 587/TB-SNN ngày 17/8/2015 chưa đúng thẩm quyền được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 24, Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ.

Thẩm quyền thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng đối với công trình này phải là Sở Giao thông vận tải.

Qua trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn nói: Về quy trình xây dựng cơ bản thì không vấn đề gì, vì công trình làm xong rồi chỉ xuất hiện vấn đề ở khâu quyết toán.

Nói về sai lệch của dự án, ông Đặng Ngọc Sơn chia sẻ: Thời điểm đó, xuất phát từ đề nghị của người dân, chính quyền địa phương, họ đề nghị chuyển tuyến đường cho hiệu quả hơn, đáng lẽ ra trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh một chút thì không sao chứ đường đó phát huy rất tốt.

Cơ sở nói không

Để xác thực thông tin việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định: “Thời điểm đó, xuất phát từ đề nghị của người dân, chính quyền địa phương, họ đề nghị chuyển tuyến đường cho hiệu quả hơn”, PV Báo Đại Đoàn Kết đã tìm đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ở huyện Hương Khê để tìm hiểu.

Khi được hỏi về Dự án đường lâm nghiệp, cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia - nơi được phê duyệt làm tuyến 02 của Dự án đường lâm nghiệp - đều khẳng định là không biết dự án đã thay đổi và chuyển sang xây dựng ở xã Hương Vĩnh.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Phú Gia, đoạn đường hơn 2,3 km ban đầu nằm trong Dự án đường lâm nghiệp thuộc thôn Phú Lâm, có khoảng 20 hộ dân được giao khoán trồng rừng. Con đường này vừa phục vụ dân sinh, khai thác lâm sản vừa là đường tuần tra, kiểm soát của lực lượng biên phòng.

2-1663642791.jpg
Thi công xong 7 năm rồi nhưng dự án không thể quyết toán, sự việc hy hữu ở Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, tuyến đường này là đường đất, lâu nay đường xuống cấp, xe cơ giới không thể đi lại được. Người dân muốn khai thác, vận chuyển lâm sản phải dùng xe cải tiến, “tăng bo” ra đường chính. Lực lượng biên phòng khi tuần tra, kiểm soát phải đi bộ hoặc xe máy.

“Chúng tôi cứ nghĩ đường đó đã có trong dự án và trước sau rồi cũng làm. Mới đây, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã đi họp ở Sở NN&PTNT mới biết là tuyến đường đã chuyển sang xây dựng ở xã Hương Vĩnh rồi. Đáng ra, dân Phú Gia được hưởng lợi từ dự án nhưng không làm thì thiệt thòi cho dân, cho xã”, ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Phú Gia nói.

Xã Hương Vĩnh, nơi được hưởng lợi “bất ngờ” từ Dự án đường lâm nghiệp cũng cho biết, thời điểm đó, địa phương không đề xuất chuyển tuyến vì không thuộc thẩm quyền của xã. “Đó là đường lâm nghiệp, phía Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm có đề xuất không chứ địa phương không đề xuất”, ông Trần Văn Thị, Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh cho biết.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu) cũng xác nhận, không có văn bản nào lưu giữ liên quan đến về vấn đề này.

Ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê chia sẻ, huyện giao cho Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế hạ tầng…tìm hồ sơ liên quan đến Dự án đường lâm nghiệp nhưng ở huyện không lưu giữ văn bản nào về dự án và cũng không có thông tin gì về việc đề xuất chuyển tuyến 02 từ xã Phú Gia sang xã Hương Vĩnh.

Diễn biến khác có liên quan, những sai lệch về việc phê duyệt, điều chỉnh Dự án đường lâm nghiệp dẫn đến dự án không thể quyết toán hoàn thành đã được báo cáo cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đang xem xét xử lý./.