Mặt bằng “xôi đỗ”
Sau hơn 1 năm thi công, Dự án cải tạo nâng cấp QL7 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn đi qua 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương vẫn còn ngổn ngang, bụi bặm vì vướng GPMB. Mặt bằng “xôi đỗ“ đã khiến tuyến đường trọng điểm thi công ngắt quãng.
Đơn cử như tại huyện Yên Thành, tuyến QL7 đoạn qua địa phương này có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 27,7km (tính cả 2 bên) đi qua địa bàn 5 xã gồm: Vĩnh Thành, Viên Thành, Bảo Thành, Công Thành và Mỹ Thành.
Theo đó, toàn tuyến đã bàn giao mặt bằng được 26,760km/27,774 km đạt 96,35%, tổng số hộ chưa bàn giao mặt bằng là 51 hộ (55 thửa) với tổng chiều dài 1.014m không tiến hành thi công được trên hiện trường. Như vậy, số hộ còn vướng đã giảm còn 51 hộ/1.014m so với 130 hộ/1.800m.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 7/2024, tại xã Vĩnh Thành cơ bản đã hoàn thành 100% phần phạm vi tuyến chính. Hiện còn thửa đất của ông Nguyễn Văn Bài do có hạng mục mới điều chỉnh, bổ sung mới được phê duyệt trích đo bổ sung.
Tại xã Viên Thành còn vướng mặt bằng 11 thửa (10 hộ) với chiều dài 166 m; tại xã Bảo Thành còn vướng mặt bằng 04 thửa (04 hộ) với chiều dài 110 m; xã Công Thành còn vướng mặt bằng 02 thửa (02 hộ) với chiều dài 34m và xã Mỹ Thành còn vướng mặt bằng 35 thửa (32 hộ) với chiều dài 663 m.
Trong khi đó, tại huyện Diễn Châu đã bàn giao mặt bằng 17,632 km/18,606 km, đạt 94,7%. Trong đó, toàn bộ đoạn qua đất nông nghiệp đã bàn giao hết. Còn lại 26 hộ ở cả 4 xã với chiều dài 974 m đoạn qua đất ở còn vướng mặt bằng chưa bàn giao được (tính cả 02 bên trái và phải tuyến).
Nguyên nhân cơ bản khiến người dân chưa bàn giao mặt bằng là do tranh chấp, chưa có giấy chứng nhận QSD đất, thậm chí nhiều hộ đòi bồi thường diện tích đất ngoài giấy chứng nhận QSD đất, yêu cầu bồi thường phần diện tích đất giao trái thẩm quyền trong hành lang giao thông… Ảnh: Điền Bắc
Cụ thể xã Diễn Thành còn vướng 6/66 thửa chiều dài 183m; xã Diễn Phúc còn vướng 3/104 thửa với chiều dài 183m, cả 2 bên trái và phải tuyến; xã Diễn Cát còn vướng 13 thửa/108 thửa với chiều dài chưa bàn giao là 519,6m; xá Minh Châu còn 4/77 thửa với chiều dài là 137 m.
Đối với huyện Đô Lương, địa phương này đã tiến hành thực hiện biện pháp bảo vệ thi công ngày 18/6/2024, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Thi công cầm chừng
Dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An đã được Bộ GTVT phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1338/QĐ-BGTVT ngày 20/7/2021.
Đây là dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Tổng mức đầu tư dự án là 1.300 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng 861,5 tỷ đồng, chi phí GPMB 250,8 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 gói thầu gồm gói thầu XD02 dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2023. Đối với 2 gói thầu còn lại, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, dự án đã bị chậm do vướng GPMB đã khiến nhiều vị trên tuyến nham nhở, nhếch nhác, bụi bặm ảnh hưởng đến đời sống người dân 2 bên đường và các phương tiện lưu thông qua lại.
Nói về nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Dương, phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, dù thời gian qua UBND huyện Yên Thành đã tích cực thực hiện công tác GPMB để bàn giao cho các đơn vị thi công. “Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ cảm thấy thiệt thòi về quyền lợi nên vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng dù chúng tôi đã đối thoại nhiều lần”, ông Dương cho biết thêm.
Còn ông Lê Mạnh Hiên, phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, đến cuối tháng 7/2024, huyện chúng tôi đã bàn giao mặt bằng được 17,632 km/18,606 km, đạt 94,7%, còn lại 26 hộ ở cả 4 xã với chiều dài 974 m đoạn qua đất ở còn vướng mặt bằng chưa bàn giao được (tính cả 02 bên trái và phải tuyến). Nguyên nhân cơ bản do tranh chấp, chưa có giấy chứng nhận QSD đất, thậm chí nhiều hộ đòi bồi thường diện tích đất ngoài giấy chứng nhận QSD đất, yêu cầu bồi thường phần diện tích đất giao trái thẩm quyền trong hành lang giao thông…
Trong khi đó, trao đổi với ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc Điều hành dự án (Ban QLDA4 – chủ đầu tư) cho biết, hiện dự án đang chậm tiến độ vì vướng mặt bằng, việc mặt bằng xôi đỗ“ khiến các đơn vị thi công cầm chừng. “Thời gian qua, để đẩy nhanh GPMB, chúng tôi đã cử người tham vào hội đồng bồi thường; chủ động hỗ trợ các địa phương làm việc với các sở, ban, ngành. Trong quá trình kiểm đếm, cán bộ Ban có mặt đi cùng với hội đồng bồi thường huyện để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng… Tuy nhiên, có những việc chúng tôi không thể làm thay chính quyền sở tại”