Dự án làm đường giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng, do UBND xã Tây Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) làm chủ đầu tư. Đối chiếu theo nghị định Chính phủ UBND xã có vượt thẩm quyền?
 
Ngày 3/7, đã có bài “Nghệ An: Dự án đường nông thôn hơn 21 tỷ đồng nhựa bong như 'bẻ kẹo lạc'” phản ánh về tình trạng chất lượng đường giao thông với giá trị công trình lớn (trung bình hơn 6 tỷ trên 1km) do UBND xã Tây Thành, huyện Yên Thành làm chủ đầu tư.
 
Để khẳng định thêm về vấn đề chủ đầu tư dự án, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Thường, Bí thư Đảng ủy xã Tây Thành (nguyên là Chủ tịch UBND nhiệm kỳ thực hiện dự án) cho biết, dự án có tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng do UBND xã làm chủ đầu tư.
 
“Dự án đường đó do UBND xã làm chủ đầu tư với tổng mức kinh phí là hơn 21 tỷ đồng, với một gói công trình mà thôi”, ông Thường khẳng định.
 
Đặt vấn đề với hồ sơ dự án, ông Thường cho hay, do chưa bàn giao xong giữa nhiệm kỳ chủ tịch trước và mới đây nên chưa cung cấp được và gợi ý nên gặp nhà thầu thi công.
 
 
Dự án đường nông thôn 3,1km được đầu tư 21 tỷ đồng 
 
“Hiện tại vẫn chưa thực hiện bàn giao xong hồ sơ giữa nhiệm kỳ cũ và mới. Anh nên gặp nhà thầu để xem hồ sơ”, ông Thường nói.
 
Đối chiếu với các qui định pháp luật nghị định Chính phủ thì UBND xã Tây Thành không đủ thẩm quyền để làm chủ đầu tư với dự án có tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng.
 
Cụ thể, tại Điều 7, Luật Xây dựng năm 2014 ghi: Chủ đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án hoặc khi phê duyệt dự án. Tại Khoản 1, Điều 21, Nghị định 59 của Chính phủ quy định: Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc để trực tiếp quản lý đối với dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình xây dựng quy mô nhỏ có tổng mức đầu tư dưới 5 tỉ đồng. Dự án có sự tham gia của cộng đồng, với tổng mức đầu tư dưới 2 tỉ đồng do UBND cấp xã làm chủ đầu tư.
 
Còn tại Khoản 8, Điều 1, Nghị định 42/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 21, Nghi định 59/2015/NĐ-CP: Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực để trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỉ đồng; trường hợp không đủ điều kiện thực hiện, chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực theo quy định tại nghị định này để thực hiện.
 
Căn cứ các nghị định trên thì cấp xã chỉ được phép làm chủ đầu tư các công trình xây dựng có tổng mức dưới 15 tỉ đồng. Còn đối với các dự án trên 15 tỉ đồng do UBND xã làm chủ đầu tư, theo văn bản trả lời của Bộ Xây dựng thì chủ đầu tư có trách nhiệm ký hợp đồng ủy thác cho Ban quản lý chuyên ngành hoặc Ban quản lý khu vực để thực hiện quản lý dự án theo quy định.
 
Như vậy, liệu với dự án hơn 21 tỷ đồng có “quá sức” đối với cấp xã như UBND xã Tây Thành?