Đá lậu và “hành trình” đi đến nhà máy
Từ đường Hồ Chí Minh (thôn Đắk Tâm, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), người dẫn đường chở tôi rẽ vào con đường nhựa hướng vào Đồn biên phòng Đắk Lao, khoảng 2km trên con đường nhựa cũ nát, gồ ghề để đến thôn Đắk Kim, nơi được mệnh danh là “thiên đường” của đá lậu.
Chuẩn bị vào khu vực khai thác, người dẫn đường dừng xe nói: “Từ đây, có hai con đường dẫn vào mỏ, nếu đi đường bê tông vào khu dân cư dễ đi và rất gần nhưng xe chở đá ra sẽ không thấy được. Còn đi vào con đường đất ngoằn ngoèo, lầy lội nhưng dễ dàng bắt gặp những xe chở đá quá khổ quá tải, vì đây là con đường “độc đạo” của xe đá lậu".
“Đá lậu ở đây được khai thác, vận chuyển công khai giữa "thanh thiên bạch nhật" nhưng không ai đụng đến…”, người dẫn đường vừa nói, vừa quay đầu xe chở tôi chạy vào con đường đất đầy ổ voi ổ gà.
Gần 1 giờ đồng hồ trôi qua, hàng loạt phiến đá được chất đầy, cao gấp đôi thành thùng và vượt cả chiều dài thùng xe. Sau đó, tài xế vội vàng phủ bạt và cho xe ì ạch rời bãi.
Chiếc xe ngược ra đường Hồ Chí Minh, sau đó chạy vào trạm cân của một công ty thu mua nông sản tên C.H nằm bên đường để cân khối lượng đá. Xe leo lên bàn cân, bảng điện tử hiển thị con số 71.480 kg (71,480 tấn). Tài xế cho xe lùi ra đường Hồ Chí Minh và chạy về hướng TP Gia Nghĩa.
Di chuyển khoảng 3km, tài xế đánh xi-nhan rẽ vào cổng Cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Thuận An (huyện Đắk Mil) rồi chạy thẳng vào khu vực Nhà máy chế biến đá Công ty TNHH SXTM đá Bazan Đắk Mil và Công ty TNHH Việt Hưng - Đắk Nông.
Qua trích xuất từ dữ liệu đăng kiểm cho thấy, chiếc xe tải BKS 48C-053.52 có tải trọng cho phép tham gia giao thông 31 tấn (cả xe và hàng). Tuy nhiên, kết quả cân cho thấy chiếc xe đã chở 71,490 tấn đá, vượt tải trọng 40,48 tấn, ước tính chiếc xe quá tải trên dưới 250%.
Khai thác đá trái phép trên đất nông nghiệp
Ông Trương Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho biết: “Khu vực mỏ đá trên là của bà Lệ (bà Trần Thị Cẩm Lệ-PV). Bà Lệ vừa thành lập công ty để xin đặt máy xay chế biến đá. Hiện bà Lệ đã kéo điện và đặt máy móc đã đưa vào khu đất trên nhưng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục, UBND xã đã lập biên bản yêu cầu tạm dừng hoạt động”.
Sau khi xem hình ảnh đá cây nằm ngổn ngang do PV cung cấp, ông Hùng nói: “Đất đó đang là đất nông nghiệp và đất nông nghiệp thì không được sản xuất kinh doanh, khai thác đá. Đá đang khai thác không biết của ai, tôi sẽ cho địa chính kiểm tra”.
Ngày 4/6, ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Mil khẳng định: “Mỏ đá ở thôn Đắk Kim là của bà Lệ, khu đất đó là đất nông nghiệp, không được cấp phép khai thác đá. Tôi sẽ chỉ đạo anh em phối hợp với Công an huyện và địa chính xã kiểm tra”.
Qua kiểm tra, vị trí khai thác đá thuộc thửa đất số 150, tờ bản đồ số 15 có diện tích 7.825m2 do bà Trần Thị Cẩm Lệ (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đứng tên. Mục đích sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm. Hiện tại diện tích này không được cấp phép khai thác đá.
Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện tại tọa độ: E00401086, N01378006 có khoảng 40 cây đá (dạng đá hình trụ), có chiều dài khoảng 2m, đường kính trung bình 50cm, tổng khối lượng khoảng 80m3; không phát hiện đối tượng khai thác và phương tiện.
Phòng TN-MT huyện đã giao cho UBND xã cử lực lượng bảo vệ số đá trên, đồng thời sẽ mời chủ đất lên làm việc để xác định nguồn gốc khối lượng đá. Nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định, nếu vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo UBND huyện xử lý.