Khi sự việc đã vỡ lở, nhiều quan chức thường biện minh rằng "không có tư lợi, làm chỉ vì mục đích chung"; "do thiếu hiểu biết".
Động đến đất đai là... "mất cán bộ"
Hàng loạt những quan chức vướng vòng lao lý vì liên quan đến sai phạm ở lĩnh vức đất đai

Đất đai là tài sản đặc biệt của đất nước, là sở hữu của toàn dân, có giá trị vô cùng to lớn. Nếu được quản lý chặt chẽ, đó sẽ là nguồn lực khổng lồ đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, nếu bị buông lỏng quản lý và luật pháp còn kẽ hở, đất đai sẽ trở thành miếng mồi béo bở đối với quan tham, nhóm lợi ích, gây thất thoát nghiêm trọng nguồn lực của đất nước. Nói cách khác, thay vì trở thành nguồn lực để phát triển, đất đai đã bị biến thành tài sản riêng, chảy vào túi một vài cá nhân hoặc một nhóm người.

Có thể nói, chưa bao giờ nạn tham nhũng, gây thất thoát lãng phí đất đai nói riêng và tài sản công nói chung được phát hiện, xử lý nhiều như những năm vừa qua.

Điều này một mặt cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ngày càng quyết liệt và điểm “đúng huyệt” của nạn tham nhũng. Nhưng mặt khác nó cũng cho thấy, động đến đất đai, rất dễ "mất cán bộ".

Thực tế cho thấy, trong số những người bị kỷ luật, vướng vòng lao lý thời gian qua, có những cán bộ giữ những cương vị rất cao. Đó có thể là những quan chức đã "hạ cánh", song cũng có thể là những người đương chức.

Có thể kể đến như Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cùng một số cựu lãnh đạo tỉnh này; cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng; Hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến; cựu Phó bí thư Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang, cựu Phó chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Tài; cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến...

Mới đây nhất, Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành kết luận thanh tra, chỉ rõ nhiều sai phạm đất đai tại TP HCM. Riêng về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý hơn 2.000 tỷ đồng, trên 6 triệu USD và hơn 460.000 m2 đất.

Điều đáng nói, Thanh tra chỉ rõ rất nhiều diện tích đất khu công nghiệp bị sử dụng sai mục đích, nhiều dự án nhà ở không có trong quy hoạch, không được cấp phép...

Vậy, những ai sẽ phải chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm thế nào? Đó là câu hỏi mà dư luận đang trông chờ lúc này.

Trên thực tế, pháp luật về đất đai không thiếu những quy định ràng buộc trách nhiệm đối với những cá nhân có thẩm quyền, cho phép làm gì và cấm làm gì. Và phải chắc chắn một điều rằng, những cán bộ cỡ chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng thì không thể không biết những quy định đó. Vậy sao họ vẫn sai phạm?

Khi sự việc đã vỡ lở, nhiều quan chức thường trần tình rằng "không có tư lợi, làm chỉ vì mục đích chung"; "do thiếu hiểu biết"... Cựu thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cũng từng bào chữa trước tòa cho những sai phạm của mình là do “chưa từng một ngày được đào tạo về quản lý kinh tế, đất đai”....

Và thực tế thì những lý do mà họ đưa ra chẳng thuyết phục được ai.

Với việc cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang được Đảng quyết liệt đẩy mạnh, tới đây có lẽ sẽ còn những vụ việc khác được phanh phui, sẽ còn những quan chức hay cựu quan chức khác dính kỷ luật hay vướng vòng lao lý.

Tuy nhiên, điều cần và quan trọng hơn là cần rà soát lại hệ thống các quy định pháp luật xem còn kẽ hở nào có thể bị lợi dụng hay không?

Cơ chế kiểm soát quyền lực hiện nay đã đủ "nhốt quyền lực vào lồng" hay chưa? Việc xử lý sai phạm đã đủ nghiêm minh để tạo sự răn đe chưa, hay gây thiệt hại cả trăn tỷ, ngàn tỷ cũng chỉ phải chịu vài năm tù?

Vài trò giám sát của người dân đối với việc thực thi công vụ, ra quyết định của những người có trách nhiệm đã thật sự được đề cao và bảo đảm một cách thực chất chưa?

Chỉ có như vậy, chúng ta mới không "mất cán bộ" khi một vụ việc liên quan đến đất đai nào đó bị phanh phui.