Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương của người chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, người con ưu tú của quê hương Nghệ An.

gg-1702258521.jpg
Đồng chí Lê Hồng Phong là nhân tố hun đúc chí hướng cách mạng cho giai cấp công nhân Vinh - Bến Thủy.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất có truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường, là quê hương của nhiều nhà yêu nước, trong đó tiêu biểu nhất là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vì vậy, Lê Huy Doãn đã sớm tiếp thu ý chí, tinh thần và nhiệt huyết của các thế hệ đi trước. Thuở còn nhỏ, Lê Huy Doãn được theo học chữ Nho tại trường làng, sau đó chuyển sang học chữ Quốc ngữ hết bậc sơ học và thi đậu bằng sơ học yếu lược. Sau khi người cha qua đời, năm 1920 Lê Huy Doãn ra Vinh - Bến Thủy làm công trong một hiệu buôn của người Hoa, sau đó làm thợ tại nhà máy diêm Bến Thủy. Trước sự áp bức, bất công của giới chủ, Lê Huy Doãn đã tổ chức, tuyên truyền, vận động công nhân đấu tranh đòi quyền lợi, đòi chủ phải tăng lương, giảm giờ làm. Cuối năm 1923 do tích cực vận động công nhân đấu tranh, Lê Huy Doãn bị đuổi việc. Sau đó, Lê Huy Doãn cùng một số thanh niên yêu nước bí mật sang Thái Lan tìm đường cứu nước. Từ đây, Lê Huy Doãn đổi tên thành Lê Hồng Phong. Ở Thái Lan một thời gian, Lê Hồng Phong qua Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động trong tổ chức Tâm Tâm xã và được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trở thành chiến sĩ cộng sản thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Là người lãnh đạo có ảnh hưởng quan trọng trong khôi phục Đảng, khôi phục phong trào cách mạng 1932 - 1935 tại Nghệ An

Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào cách mạng trong nước bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai đàn áp dã man. Nghệ An là địa bàn bị địch tàn sát nặng nề nhất. Sau cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, các tổ chức Đảng bị tan rã, tê liệt, nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng bị bắt bớ, tù đày. Trước những tổn thất và khó khăn của cách mạng Việt Nam, tháng 11 năm 1931, Quốc tế Cộng sản cử đồng chí Lê Hồng Phong về nước chỉ đạo khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Trong quá trình chắp nối liên lạc giữa các cơ sở, đồng chí Lê Hồng Phong đã có vai trò rất lớn trong hướng dẫn về chương trình, điều lệ, cùng phương pháp hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương cho các chiến sĩ cộng sản tại Nghệ An như Nguyễn Duy Hài, Lê Hữu Lập. Được sự giúp đỡ và hướng dẫn của Đông Dương Viện trợ Bộ, cuối năm 1933, Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An được thành lập. Trong một thời gian ngắn sau đó, các chi bộ Đảng lần lượt được hình thành ở Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Anh Sơn với số lượng lên tới hàng trăm đảng viên. Một số nơi còn thành lập được Phủ ủy (Diễn Châu), Tổng ủy (Anh Sơn). Cuối tháng 4 năm 1933, một số đảng viên cộng sản Vinh, Nghi Lộc ở tù về đã chắp nối liên lạc với cơ sở cũ, lập ra Khu ủy Bến Thủy và Huyện ủy Nghi Lộc, tiến hành xây dựng cơ sở ở các xã.

b-1702258541.jpg
Macau (Trung Quốc) - nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất của Đảng (27-31/3/1935). Tại Đại hội này, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Đầu năm 1934, Ban lãnh đạo hải ngoại do Lê Hồng Phong đứng đầu đã tổ chức Hội nghị và đề ra chủ trương phát truyền đơn kỷ niệm lần thứ 4 Xô viết Nghệ - Tĩnh (12/9/1930 – 12/9/1934). Tuy kế hoạch sớm bị thất bại, các ủy viên Nguyễn Duy Hài, Nguyễn Thúc Hòe, Nguyễn Ngọc Cửu bị bắt nhưng chương trình hành động đã thực sự khơi dậy tinh thần đấu tranh của quần chúng trong Đảng bộ.

Là người có vai trò to lớn trong thống nhất tổ chức giữa Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An và Huyện ủy Nghi Lộc

Trong quá trình khôi phục cơ sở Đảng tại Nghệ An giai đoạn 1932 – 1936 đã xuất hiện một số khó khăn, chưa thống nhất về mặt tổ chức giữa Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An và Huyện ủy Nghi Lộc. Do Huyện ủy Nghi Lộc có định kiến cũ với nhóm Vừng Hồng nên Huyện ủy Nghi Lộc không hợp tác. Ngày 14/6/1934, Ban lãnh đạo hải ngoại, đứng đầu là đồng chí Lê Hồng Phong đã triệu tập hội nghị họp tại Ma Cao (Trung Quốc). Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ bằng mọi cách phải khôi phục lại các tổ chức Đảng, củng cố các tổ chức còn yếu, chống lại chủ nghĩa biệt phái, phê bình Bônsơvích, định hướng lại các vấn đề chưa giải quyết được từ các địa phương. Hội nghị cũng đã ra nghị quyết về việc tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng vào mùa xuân năm 1935. Đây là hội nghị có ý nghĩa rất lớn trong việc tổ chức, củng cố các tổ chức Đảng.

lp-1702258576.jpg
Nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Thực hiện chủ trương Hội nghị tháng 6/1934, tháng 3/1935, Đại hội toàn quốc lần thứ nhất đã diễn ra tại Ma Cao (Trung Quốc). Mặc dù không trực tiếp dự đại hội (do dẫn đoàn đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản) nhưng vai trò tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong được thể hiện rõ nét trong tiến trình và kết quả của Đại hội. Đại hội thông qua nhiều nội dung quan trọng để giải quyết vấn đề khúc mắc trong tư tưởng. “Đại hội đã khẳng định đại đa số đảng viên Vừng Hồng ở Nghệ An đã chuyển thành đảng viên cộng sản hoặc chịu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản”. Đại hội yêu cầu Đảng bộ phải nhanh chóng củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong phong trào cách mạng quần chúng. Trên cơ sở tiền đề và sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 13/9/1936, Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An và Huyện ủy Nghi Lộc đã họp tại làng Đông Chữ (huyện Nghi Lộc) để cử ra Ban Chấp hành thống nhất của Đảng bộ Nghệ An. Việc hợp nhất hai hệ thống tổ chức Đảng có ý nghĩa hết sức to lớn, đã giải quyết được những mâu thuẫn nội bộ, đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, đưa Nghệ An bước vào thời kỳ thống nhất về tổ chức và hành động.

Đồng chí Lê Hồng Phong có ảnh hưởng trong cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ tại Nghệ An

Tháng 6/1939, Lê Hồng Phong bị bắt tại Sài Gòn, vì không đủ bằng chứng kết tội tử hình, chúng tuyên án phạt giam 6 tháng vì tội “dùng căn cước giả” và trục xuất về quê. Thời gian bị quản thúc ở quê, đồng chí vẫn hoạt động cách mạng, vẫn viết bài báo Đảng và tham gia vào cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ tại Nghệ An. Đồng chí đã cùng các chiến hữu và Nhân dân Nghệ An tổ chức truy điệu người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Đình Hoành - một cán bộ hoạt động công khai xuất sắc của Đảng bộ Nghệ An, quê tổng Phù Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - Bí thư Khu ủy Vinh.

Cuối năm 1939, Chính phủ Pháp thi hành chính sách phátxít, giải tán Đảng Cộng sản và các tổ chức dân chủ trong nước cũng như thuộc địa của Pháp. Những người hoạt động cách mạng, bị tình nghi và quản thúc rất nghiêm ngặt. Hàng loạt đảng viên, cán bộ chủ chốt trong Đảng bộ Nghệ An và quần chúng bị bắt. Ngày 20/01/1940, một lần nữa Lê Hồng Phong bị bắt. Cuối năm 1940, thực dân Pháp đày đồng chí ra Côn Đảo, trước sự tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 06/9/1942 tại địa ngục Côn Đảo.

Với 40 tuổi đời, gần 20 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã nêu tấm gương sáng về phẩm chất, nhân cách của người cộng sản mẫu mực, kiên cường, khí phách hiên ngang và đạo đức trong sáng, tận trung với Đảng, son sắt, thủy chung với đồng chí, với quê hương, đất nước.

ttt-1702258604.jpg
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hương tưởng niệm đồng chí Lê Hồng Phong tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Ảnh: Thành Duy

Noi theo, biết ơn và tiếp tục sự nghiệp cách mạng của các nhà cách mạng tiền bối và đồng chí Lê Hồng Phong, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đã kiên trì, bền bỉ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ và có những đóng góp xứng đáng cùng cả nước đấu tranh giành và giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nghệ An đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; văn hoá, xã hội có tiến bộ, một số lĩnh vực đã có những tiền đề trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển.

ds-1702258628.jpg
Xã Hưng Thông - Quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ngày nay. Ảnh: Thành Cường

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong trong thời điểm Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An chuẩn bị bước vào năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An; triển khai Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Đây là động lực quan trọng để Nghệ An tập trung phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là truyền thống cách mạng của quê hương, bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Nghệ An; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để thực hiện các mục tiêu, chương trình, đề án đồng bộ trên các lĩnh vực với tinh thần quyết liệt đổi mới, sáng tạo. Đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững, tiếp bước các thế hệ cách mạng tiền bối, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc năm 2025, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030./.