Theo Tiền Phong đưa tin, ngày 18/4/2022, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam đã ký kết Hợp đồng Bảo hiểm hàng không năm 2022 – 2023 với liên danh Bảo hiểm Tổng Cty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) – Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt – và Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội (MIC).
Hợp đồng bảo hiểm với mức trách nhiệm cao nhằm hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho mỗi sự cố, cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho toàn bộ phi công/ huấn luyện bay/ học viên bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam. Tính đến nay liên danh bảo hiểm đã thực hiện bảo hiểm dịch vụ 12 năm liên tục.
Cũng theo nguồn tin trên, đơn vị trong liên doanh bảo hiểm đang thực hiện thủ tục liên quan đến việc bảo hiểm theo hợp đồng.
Theo báo Lao Động dẫn thông tin trên trang đấu thầu quốc gia, vào lúc 10h ngày 5.4.2023, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam đã tiến hành mở gói thầu: “Mua Bảo hiểm Hàng không cho Tổng công ty Trực thăng Việt Nam kỳ 2023-2024”. Giá gói thầu này trị giá hơn 65 tỉ đồng.
Đối với gói thầu này chỉ có 1 nhà thầu tham gia. Đó là liên danh Bảo hiểm PVI - Bảo Việt – MIC.
Trao đổi với báo chí, một đơn vị điều phối tour trực thăng ngắm cảnh Hạ Long cho biết, mức cam kết bồi thường thiệt hại cho sự cố lên tới 30 triệu USD/sự vụ (tương đương 703 tỉ đồng/sự vụ). Mức bồi thường này dành cho tối đa 4 hành khách, không bao gồm phi công. Tuy nhiên, đến nay, việc bồi thường vụ tai nạn máy bay phải căn cứ trên hợp đồng bảo hiểm giữa hành khách và đơn vị bán vé.
“Việc bồi thường phải phụ thuộc vào hợp đồng thỏa thuận giữa hành khách và đơn vị bán vé về mức vé, mức bảo hiểm kèm theo”, một nhân viên của đơn vị lữ hành này cho biết trên Tiền Phong.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, năm 2021, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) đã giải quyết bồi thường bảo hiểm 3,5 triệu USD (82 tỉ đồng) tổn thất toàn bộ thân máy bay cho máy bay trực thăng EC-130T2 số hiệu VN-8632 thuộc Trung tâm Huấn luyện bay (Công ty Trực thăng miền Nam, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam).
Trên trang thông tin của mình, PVI giới thiệu sản phẩm bảo hiểm hàng không. Gói bảo hiểm này bảo hiểm tai nạn con người và chi phí y tế cho nhân viên tổ bay, nhân viên kỹ thuật. Ngoài ra, bảo hiểm hàng không của PVI cũng bảo hiểm thân máy bay, phụ tùng máy bay và trách nhiệm pháp lý; bảo hiểm dưới mức miễn thường đối với thân và phụ tùng máy bay; bảo hiểm thân, phụ tùng máy bay đối với rủi ro chiến tranh và các rủi ro tương tự; bảo hiểm mức trách nhiệm vượt quá đối với rủi ro chiến tranh, không tặc và các rủi ro khác
PVI giới thiệu khách hàng tiêu biểu của mình gồm có Tổng công ty Trực thăng Việt Nam VNH; ngoài ra còn có Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP; Công ty CP Hàng không Pacific Airlines; Công ty CP Hàng không Vietjet; Công ty bay dịch vụ Việt Nam; Cambodia Angkor Air; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam…, thông tin trên Lao Động.
Liên quan tới sự việc, chiều 5/4, máy bay Bell-505 mang số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) gặp tai nạn khi thực hiện chuyến bay dịch vụ du lịch ngắm cảnh ở vịnh Hạ Long.
Chiếc máy bay do Đại tá Chu Quang Minh là phi công lái chính, chở 4 khách du lịch người Đà Nẵng. Máy bay cất cánh lúc 16h56, mất liên lạc với trung tâm chỉ huy lúc 17h15. Đến nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 4 nạn nhân.
Theo PN - sohuutritue.net.vn