Trên các bản làng người Mông ở miền Tây xứ Nghệ hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Ngoài lễ cúng trong dòng họ, cúng vía, cúng ốm đau… người Mông còn có tục cúng chung cho cả gia đình nhằm cầu mong mọi sự bình an, mùa màng tươi tốt.
Trên các bản làng người Mông hiện nay vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Tục cúng trong gia đình người Mông diễn ra không theo 1 thời gian nhất định nào mà khi gia chủ thấy có sự bất ổn trong gia đình thì mời thầy mo về làm lễ cúng.
Loài vật không thể thiếu trong các lễ cúng là dê. Dê cúng xong phải mang ra rừng làm thịt và ăn ở ngoài đó, tuyệt đối không được mang về nhà. Đây là sự tôn trọng đối với thần linh, núi rừng.
Ngoài dê, gia đình nào có điều kiện khá giả có thể làm thêm lợn. Tất nhiên điều này tùy thuộc vào sự phán quyết của thầy mo.
Những con vật này không làm thịt mà buộc trước bàn thờ.
Hình tượng con hổ, tổ tiên của dòng họ Lầu được dùng trong lễ cúng.
Vật không thể thiếu được nữa là giấy thờ tự làm của người Mông.
Ngoài ra, những sợi dây lanh được kết lại với nhau để quấn vào tất cả mọi người trong gia đình.
Việc cúng ma của thầy mo diễn ra khá lâu. Vừa cúng thầy mo vừa đi vòng quanh các thành viên cầu cho họ bình an, mùa màng tươi tốt.
Sau đó sẽ cúng mời thần linh, tổ tiên về nhận các lễ vật.
Dê được đưa vào rừng làm thịt còn lợn được mọi người làm thịt và ăn ngay tại nhà.
Những đồ nội tạng được đào hố chôn ngay trước cửa nhằm tránh những điều xấu bay vào nhà. Việc tổ chức lễ cúng hết sức tốn kém, không phải gia đình nào cũng có điều kiện làm được. Trong những năm qua, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng ở các bản người Mông đã nỗ lực tuyên truyền bà con không tổ chức nhiều tục cúng trong năm và cố gắng bài trừ các yếu tố mê tín, dị đoan trong những lễ cúng truyền thống./.