Tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã triển khai phương án “3 tại chỗ”: Sản xuất, ăn ở, nghỉ ngơi tại chỗ để vừa chống dịch, vừa sản xuất.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp có quy mô vài chục nghìn công nhân thì điều này không hề dễ dàng.

Nỗ lực duy trì sản xuất

Buổi trưa, sau ca làm việc, hơn 30 công nhân của Công ty CP Máy thiết bị công nghiệp Quốc tế (IMAE, có trụ sở ở TP.HCM và nhà xưởng cơ khí tại KCN Tân Đông Hiệp B, Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đến căng tin. Bữa ăn đã được chuẩn bị sẵn, phần ăn người này cách người kia 2m.

Doanh nghiệp nơi tâm dịch xoay xở "3 tại chỗ"
Công nhân ăn, ở và làm việc tại phân xưởng trong Nhà máy Nidec Việt Nam, Khu công nghệ cao TP Thủ Đức

Công nhân Đặng Sử Nghĩa, phân xưởng hoàn thiện IMAE cho biết, nhà máy đã bố trí nơi ăn ngủ, chăn gối, mùng màn và nhu yếu phẩm đầy đủ cho công nhân. Bếp ăn được xây dựng mới, có người nấu ăn cho 30 công nhân ăn 3 bữa/ngày.

Ông Đào Quốc Hưng, Tổng giám đốc IMAE cho biết, ngay khi dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, công ty đã chuẩn bị phương án “3 tại chỗ” cho công nhân, phòng khi dịch bệnh diễn biến xấu. Công ty vận động công nhân ở lại nhà máy, các công việc liên quan đến giao dịch đều thực hiện online, tuyệt đối “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Tại KCN An Hạ, huyện Bình Chánh, TP.HCM, lượng công nhân “3 tại chỗ” của Công ty CP Cơ khí thương mại Đại Dũng gồm 700 người. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, ngay khi dịch bùng phát, công ty đã đã chuẩn bị phương án “3 tại chỗ” nên việc sản xuất không bị đứt gãy.

“Trang bị đồ cá nhân cho 700 công nhân là khoản chi phí lớn. Tuy nhiên, công ty xác định còn phải “sống chung với dịch” lâu dài, nên đây được coi là đầu tư cho sản xuất. Nhà ăn, lương thực, thực phẩm cũng là những khoản phát sinh, chưa kể công nhân tình nguyện “3 tại chỗ” còn được thưởng thêm”, ông Hùng nói.

Ở Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), trước thời điểm TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, toàn bộ cán bộ, nhân viên được bố trí ở lại nhà máy, trừ một số lao động đã bị cách ly trước đó.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan cho biết: “Nhờ tổ chức tốt, mỗi ngày công ty bảo đảm cung cấp cho thị trường 1.500 con heo thịt, các mặt hàng chế biến sẵn cũng luôn cung ứng đủ. Những công nhân tăng ca được hưởng 200% mức lương và công nhân tình nguyện “3 tại chỗ” được xem xét nâng lương trước niên hạn”.

Đề xuất gấp rút xây dựng nhà lưu trú cho công nhân

Từ 15/7, gần 1.000 công nhân Công ty Nidec Việt Nam đã đi vào hoạt động sản xuất. Nidec Việt Nam là công ty có 6.000 công nhân, đã phải ngưng sản xuất 10 ngày trước đó do có ca nhiễm Covid-19.

Đến nay, khi đã đáp ứng các điều kiện “3 tại chỗ” nên công ty từng bước bắt đầu sản xuất trở lại. Tại từng phân xưởng, công ty bố trí lều cá nhân ngay chuyền sản xuất. Công nhân sau giờ làm việc có thể nghỉ ngơi tại các lều này.

Công nhân Phạm Thuỳ Giang (37 tuổi) phân xưởng Press, Công ty Nidec Việt Nam) cho biết: “Nơi ở rất an toàn, sạch sẽ, 3 ngày/lần được xét nghiệm lại nên tôi rất an tâm làm việc. Với chúng tôi, lúc này có việc làm và thu nhập còn may mắn hơn nhiều lao động khác”.

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay: “Công nhân “3 tại chỗ” được hưởng 100% lương, làm việc tại nhà được 70% lương, các F0 - F3 cách ly được hưởng 70% lương, không đi làm và chưa xét nghiệm âm tính hưởng lương tối thiểu vùng. Ngoài lương chính, công nhân “3 tại chỗ” còn có phụ cấp 75.000 đồng/ngày”, ông Hồng nói và thông tin, cứ 3 ngày/lần, công nhân được xét nghiệm, mọi chi phí công ty chi trả.

Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA) cho biết, tại Khu công nghệ cao Thủ Đức, đến nay đã có 70/85 doanh nghiệp đăng ký hoạt động lại. Tại KCX Linh Trung 1, số doanh nghiệp xin tiếp tục sản xuất là 19/32; KCX Linh Trung 2 là 20/30 và KCN Hiệp Phước là 124/159 doanh nghiệp. Còn tại KCX Tân Thuận, hiện còn 110/250 tiếp tục hoạt động với 8.000/65.000 công nhân.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội HBA cho biết, những doanh nghiệp ngưng hoạt động là những doanh nghiệp lớn, công nhân đông.

Chính vì vậy, việc bảo đảm các tiêu chí “3 tại chỗ” là rất khó khăn. HBA cùng nhiều doanh nghiệp đã đề xuất UBND TP HCM cho gấp rút xây dựng nhà lưu trú, nhà ở tạm cho công nhân trong KCN; tận dụng nhà ở còn trống (chưa bán) của các doanh nghiệp bất động sản gần KCX, KCN làm nơi lưu trú tạm thời để ổn định sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân - doanh nghiệp có 60.000 công nhân, thuộc hàng đông nhất TP HCM cho biết, vừa qua doanh nghiệp phải đưa ra quyết định ngừng sản xuất 10 ngày (14/7 - 23/7) để bảo đảm phòng tránh dịch lây lan Covid-19 cho công nhân.

Ông Nghiệp cho biết, hiện công ty đang rất áp lực trước những hợp đồng giao hàng. Tuy nhiên, xét theo tiêu chí “3 tại chỗ” thì không thể đáp ứng được bởi nếu chỉ cho hoạt động 1/3 công suất thì cũng cần bảo đảm chỗ ăn ở, nghỉ ngơi cho khoảng gần 20.000 người - điều không thể thực hiện được ngay.

Theo quyết định của UBND TP HCM về việc tổ chức hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, từ ngày 15/7, chỉ cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất đảm bảo phương châm “3 tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ tại chỗ. Hoặc phương án, “một cung đường - 2 địa điểm”, nghĩa là tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn). Ngoài ra, doanh nghiệp phải tự chi trả xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 3 ngày/lần.