Đề án xe điện du lịch ở Bạc Liêu đã được tỉnh phê duyệt từ nhiều tháng qua, nhưng đến nay doanh nghiệp đề xuất vẫn chưa chịu triển khai.
Doanh nghiệp đề xuất “dây dưa”, đề án xe điện có nguy cơ "chết yểu"
Một góc TP Bạc Liêu. Ảnh: Gia Minh

Tỉnh Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, tỉnh này cũng đã quan tâm xây dựng hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó, có Đề án thí điểm xe điện để chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế trên địa bàn tỉnh này. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp đề xuất vẫn chưa chịu thực hiện Đề án, dù đề án đã được phê duyệt từ nhiều tháng qua.

Doanh nghiệp tự đề xuất

Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch, tăng cường kết nối ngành du lịch Bạc Liêu với các trung tâm du lịch tại TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm khác trên cả nước để tạo thương hiệu và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Đặc biệt, ngày 24/11/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định số 387/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện để chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”.

Đề án này do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Sản xuất Tân Đại Phong (gọi tắt là Công ty Tân Đại Phong, có địa chỉ ở TP. Cần Thơ) đề xuất, với thời gian thí điểm là 3 năm (kể từ ngày 24/11/2020).

Có 4 tuyến được phép hoạt động: Trung tâm nội ô TP. Bạc Liêu (khu chợ đêm, chợ Trung tâm, mua sắm và khu ẩm thực nội ô TP. Bạc Liêu); Tham quan nội ô TP. Bạc Liêu (khóm 4, phường 2 - đường Ninh Bình - cầu Võ Thị Sáu - đường Hai Bà Trưng - đường Trần Phú...); tham quan khu du lịch vườn nhãn (cây xoài 300 năm, bánh xèo A Mật,...); tham quan viếng chùa Ông, chùa Bà, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Thiền viện Trúc Lâm, Quán âm Phật đài.

Tổng số phương tiện tham gia trong Đề án là 50 phương tiện (giai đoạn 1 - năm 2021) là 10 xe; giai đoạn 2 (năm 2022 đến 2023) là 40 xe, loại xe từ 9 - 15 chỗ ngồi. Các phương tiện đều là xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện, với vận tốc không lớn hơn 30km/h. Thời gian hoạt động từ 5h - 24h hàng ngày.

Quá trình triển khai thực hiện Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở GTVT là đơn vị chủ trì phối hợp với UBND TP. Bạc Liêu thực hiện việc lắp đặt hệ thống biển báo trên các tuyến đường. Thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách.

UBND TP. Bạc Liêu chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra chặt chẽ hoạt động vận tải hành khách bằng năng lượng điện trên địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự ATGT.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu cho biết, để sớm triển khai đề án này Sở GTVT đã có văn bản số 1230/SGTVT-QLVT ngày 27/11/2020 về việc triển khai, hướng dẫn Công ty Tân Đại Phong thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định.

Doanh nghiệp đề xuất “dây dưa”, đề án xe điện có nguy cơ "chết yểu"
Cổng chào vào Khu hành chính tỉnh Bạc Liêu, nằm trên đường Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Gia Minh

Nguy cơ “chết yểu”

Theo Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu, ngay thời điểm triển khai thực hiện đề án, tình hình dịch bệnh Covid-19 lại diễn biến phức tạp, ở các tỉnh, thành phố khác bùng phát trở lại, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách tham quan du lịch giảm sâu, làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện đề án.

Đồng thời, Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần liên hệ nhắc nhở Giám đốc Công ty Tân Đại Phong đề nghị sớm triển khai thực hiện đề án.

Gần đây nhất là vào ngày 16/3/2021, Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu có buổi làm việc, trao đổi với Giám đốc Công ty Tân Đại Phong đề nghị Công ty có kế hoạch triển khai thực hiện từng nội dung, với mốc thời gian cụ thể gửi Sở GTVT để theo dõi, đôn đốc trong quá trình thực hiện.

Sau đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 Giám đốc Công ty Tân Đại Phong có công văn xin gia hạn đưa xe điện vào hoạt động chậm nhất trước ngày 31/12/2021 và cam kết từ tháng 4/2021 Công ty triển khai các bước như: Thành lập Chi nhánh Công ty, đăng ký kinh doanh, khảo sát, vẽ sơn, gắn biển báo các điểm dừng, đăng ký, đăng kiểm, thuế, phí, vé... hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý kinh doanh theo quy định trước khi đưa xe vào khai thác.

Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc gia hạn thời gian triển khai Đề án và sẽ tiếp tục theo dõi tiến độ triển khai Đề án theo cam kết của nhà đầu tư.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Đỗ Ái Lam, Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu (Bạc Liêu) cho biết, thành phố đã nhiều lần nhắc nhở lãnh đạo Công ty Tân Đại Phong, nhưng đến nay công ty này vẫn chưa chịu triển khai đề án.

“Đại diện Công ty cho rằng hiện nay khó làm, vì khách du lịch đến Bạc Liêu chủ yếu đi rồi về không lưu trú qua đêm. Vì vậy, công ty muốn làm thêm tuyến phố đi bộ gắn với đề án xe điện thì mới triển khai”, bà Lam cho hay.

Cũng theo bà Lam, khi phía Công ty Tân Đại Phong gửi Đề án tuyến phố đi bộ cho thành phố xem thì thấy chưa xứng tầm, nên thành phố không đồng ý và đang đề nghị một công ty tư vấn ở TP. Hồ Chí Minh tư vấn làm một tuyến phố đi bộ xứng tầm.

PV đặt vấn đề, nếu Công ty Tân Đại Phong cứ “dây dưa” không chịu triển khai thực hiện Đề án thì thành phố có đề xuất hủy Đề án hay mời gọi nhà đầu tư khác vào làm? Bà Lam cho biết: “Tới đây, thành phố quan tâm phát triển du lịch cũng rất cần Đề án xe điện này, thành phố sẽ tiếp tục làm việc và động viên Công ty Tân Đại Phong sớm triển khai thực hiện đề án”.