Buổi đối thoại thu hút hàng trăm doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành lân cận đến dự kín cả hội trường.
Khoảng 200 tỉ đồng chờ hơn 2 năm chưa hoàn thuế
Câu chuyện hoàn thuế chưa bao giờ hết "nóng" tại các buổi đối thoại giữa cơ quan thuế, hải quan và DN. Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Vĩnh Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, cho hay từ tháng 8.2022 đến nay, số tiền dự kiến hoàn thuế của DN là khoảng 200 tỉ đồng. Vướng mắc của DN đến từ 2 vấn đề liên quan hóa đơn đầu vào. Thứ nhất, đối với hoạt động sản xuất của công ty, nguyên liệu đầu vào là mặt hàng phế liệu. Cơ quan thuế đánh giá những DN cung cấp nguyên liệu có rủi ro về thuế nên thực hiện quy trình kiểm tra trước - hoàn thuế sau.
Tại thời điểm DN phát sinh hoạt động mua bán phế liệu, tất cả hồ sơ thủ tục chứng từ của công ty đều đúng theo quy định về hoàn thuế, công ty kiểm tra các hóa đơn đầu vào của các DN đều đang hoạt động. Thế nhưng đến thời điểm hoàn thuế, cơ quan thuế kiểm tra thì xảy ra trường hợp các DN đối tác ngưng hoạt động, làm thủ tục phá sản, giải thể nên Cục Thuế Bà Rịa-Vũng Tàu không xác minh được khiến các hóa đơn đầu vào này bị treo lại.
Trường hợp thứ 2 là hóa đơn đầu vào của các DN hoạt động thương mại. Công ty mua thép từ các đơn vị đối tác sản xuất với doanh thu rất lớn, từ trên 150 tỉ đồng mỗi tháng. Các DN đối tác đang hoạt động và cũng phát sinh thuế bình thường. Tuy nhiên, khi cơ quan thuế đối chiếu với Cục Thuế TP.HCM (nơi đối tác đang hoạt động) thì gặp trường hợp đối tác có liên quan đến vụ việc hóa đơn bất hợp pháp, Cục Thuế TP.HCM đang gửi hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Do đó Cục Thuế Bà Rịa-Vũng Tàu dừng hoàn với những hóa đơn này trong khi DN vẫn khai thuế và nộp thuế bình thường hằng tháng. Do đầu vào của DN không được giải quyết dẫn đến số tiền thuế tồn đọng rất lớn. Ông Tô Vĩnh Hưng kiến nghị lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục thuế xem xét lại quy trình hoàn thuế theo nguyên tắc đơn vị nào khai thuế thì chịu trách nhiệm, DN nào sai thì xử lý, còn hoạt động nào đúng thì xem xét hoàn thuế cho DN, chứ không gắn với F2, F3. "Hoạt động DN thì chắc chắn DN chịu trách nhiệm nhưng đối với hoạt động đối tác thì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm liên quan được trong quá trình hoàn thuế", ông Tô Vĩnh Hưng bức xúc.
Lặn lội từ Kiên Giang lên TP.HCM tham dự đối thoại, ông Nguyễn Nam Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Huy Nam, phản ánh: Cùng một mặt hàng nhưng mỗi cơ quan thuế tỉnh thành hướng dẫn thuế khác nhau, dẫn đến DN không được kê khai khấu trừ và đưa vào chi phí quyết toán thuế thu nhập DN, hoàn thuế. Cụ thể, DN ký hợp đồng với đối tác tại Trung Quốc và một số nước châu Phi để xuất khẩu số lượng lớn mặt hàng nghêu trắng nguyên con hấp đông lạnh và các mặt hàng nghêu nói chung. Công ty tiến hành thu mua và nhập nguyên liệu về phục vụ chế biến.
Do số lượng đơn hàng lớn nên công ty mua hàng từ các công ty trong nước như Công ty CP xuất nhập khẩu Bến Tre (trụ sở Bến Tre) và một số công ty có trụ sở ở các địa bàn khác. Trong đó, Công ty CP xuất nhập khẩu Bến Tre xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) mặt hàng này với thuế 10% (nay giảm còn 8%) theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, khi DN thực hiện khấu trừ và hoàn thuế GTGT theo diện xuất khẩu thì Cục Thuế tỉnh Kiên Giang không chấp nhận vì cho rằng mặt hàng này thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT (có công văn trả lời DN thực hiện). Chính vì vậy, công ty gặp khó khăn trong việc thu mua nghêu để xuất khẩu.
Trường hợp công ty giao hàng trễ thì bị đối tác nước ngoài phạt và sẽ không tiếp tục ký hợp đồng. Do đó để thực hiện kịp thời giao hàng cho khách, công ty buộc phải tạm thời chấp nhận thanh toán cho DN trong nước thuế GTGT. Cho đến nay, DN vẫn chưa được khấu trừ hoàn thuế GTGT xuất khẩu với mặt hàng này. "Cùng một mặt hàng nhưng cục thuế các tỉnh thành áp dụng thuế suất khác nhau. Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có hướng dẫn về thuế suất GTGT mặt hàng này ở khâu mua vào và bán ra để các cục thuế, DN được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, tránh để DN bị phạt và nộp thuế thêm", ông Nguyễn Nam Vinh phát biểu.
Đau đầu mã hàng nhập khẩu
Không chỉ thuế, các vướng mắc liên quan đến hải quan cũng "làm nóng" hội trường. Cụ thể, DN kéo sợi phản ánh các lô hàng bông nguyên (mã hàng hóa xuất nhập khẩu HS 5201) và bông rơi chải thô (mã HS 5203) nhập khẩu bị hải quan chuyển sang luồng vàng, luồng đỏ, yêu cầu lấy mẫu kiểm hóa, kiểm định. Hầu hết các kết quả sau khi phân tích đã bị áp mã HS 5202 (phế liệu bông) và bị tạm giữ, không được thông quan, dẫn đến việc nhà máy thiếu nguyên liệu để sản xuất và thiệt hại lớn về chi phí lưu kho bãi.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện công ty trong lĩnh vực này bức xúc: Sau khi kiểm định, DN cũng dùng các nghiệp vụ, công văn, đi lên đi xuống lấy được lô hàng ra mất 70 ngày, chi phí lưu thông hải quan khoảng 500 triệu đồng. Sau khi lấy được lô đó thì những lô sau cũng bị vướng và quy trình lại bắt đầu. Chưa kể, cùng một mặt hàng mà đơn vị kiểm định này ra kết quả này, đơn vị kia ra kết quả khác dẫn đến lô hàng không được thông quan. Sau đó, cơ quan hải quan địa phương nghi ngờ những lô hàng sau là phế liệu nên yêu cầu lấy mẫu phân tích toàn bộ. "Lấy mẫu đến mức máy bị hỏng, không thể phân tích được nữa nên tạm thời DN thoát. Trong trường hợp máy phục hồi trở lại thì lại tiếp tục lấy mẫu. Mỗi đơn vị lấy mẫu như thế thời gian nhanh nhất là 25 ngày, chậm nhất là 2 tháng mới có kết quả. Dẫn đến tất cả các nguyên liệu nằm trong kho, không thể đưa vào sử dụng được", vị này bức xúc.