Năm 2012, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương đã tạm ứng 2 lần với tổng số tiền gần 600 triệu đồng để GPMB dự án đường giao thông cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm trôi qua không chịu trả nợ khiến cho nhà thầu rơi vào thế khó và hết sức bức xúc.
Để giúp người dân địa phương giảm tránh thiên tai mỗi khi mùa lũ lụt đổ về, tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn ở xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã được khởi công xây dựng từ năm 2011. Cho đến nay tuyến đường đã cơ bản đã xong nhưng chủ đầu tư đang nợ nhà thầu nhiều tỷ đồng.
Được biết, công trình nêu trên có tổng mức đầu tư gần 44 tỷ đồng và giao cho UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Công nghiệp và Phát triển xây dựng miền Bắc (tổng thầu chính) và Công ty Cổ phần Đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào.
Đây cũng là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiếu tối đa rủi ro về người và tài sản do thiên tai trên địa bàn xã Hồng Sơn mỗi khi mùa mưa đến. Mặt khác, công trình triển khai thi công tiếp nối với QL 15 đưa vào sử dụng cũng sẽ phá vỡ thế cô lập, độc đạo do khó khăn trong việc đi lại của người dân xã Hồng Sơn với các địa phương khác.
Công trình cơ bản đã hoàn thành
Để đảm bảo tiến độ thi công công trình, trước đề nghị xin tạm ứng của chủ đầu tư là UBND huyện Đô Lương để chi trả tiền giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các hộ dân bị ảnh hưởng, nhà thầu đã chấp thuận đồng ý cho huyện Đô Lương tạm ứng tiền.
Theo đó, vào ngày 05/01/2012, ông Võ Văn Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương kiêm Chủ tịch Hội đồng GPMB đã có văn bản gửi Công ty CP Công nghiệp và Phát triển xây dựng miền Bắc (nay là Công ty Cổ phần VILACONIC) xin tạm ứng số tiền 263 triệu đồng để chi trả cho các hộ dân.
Tiếp đó, vào ngày 05/8/2012, ông Võ Văn Ngọc cũng ký văn bản gửi nhà thầu thi công xin tạm ứng số tiền 309.749.000 đồng.
Giấy đề nghị tạm ứng tiền với nhà thầu thi công của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương
Lý do UBND huyện Đô Lương 02 lần ký văn bản gửi nhà thầu thi công xin tạm ứng với số tiền nói trên vì cho rằng, nguồn ngân sách để phục vụ GPMB tỉnh Nghệ An chưa bố trí được.
Mặc dù nguồn vốn hạn hẹp, kinh phí bố trí phục vụ cho công tác thi công chưa có nhưng nhà thầu thi công cũng đã chấp thuận đề nghị của UBND huyện Đô Lương.
Cả 02 lần, Công ty CP Công nghiệp và Phát triển xây dựng miền Bắc đều chuyển đầy đủ số tiền nói trên cho UBND huyện Đô Lương theo số tài khoản mà Ban quản lý công trình Đô Lương mở tại Ngân hàng NN&PTNT. Tổng số tiền mà UBND huyện Đô Lương “vay” của nhà thầu để giải phóng mặt bằng từ năm 2012 lên tới 572 triệu đồng.
Vậy nhưng, đến thời điểm hiện nay, mặc dù công trình đường cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn đã thi công vượt quá khối lượng quyết toán theo quy định nhưng nhà thầu thi công vẫn không được chủ đầu tư “trả nợ” số tiền tạm ứng cả 02 lần nói trên.
Giấy chuyển tiền của nhà thầu cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương
“Chúng tôi muốn công trình hoàn thành nhanh chóng nên dù khó khăn công ty vẫn xoay sở cho chủ đầu tư tạm ứng số tiền lớn để cho công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi. Ai ngờ đã gần 10 năm trôi qua chủ đầu tư vẫn im lặng không chịu trả nợ khiến công ty lâm vào tình cảnh khó khăn. Chủ đầu tư là đơn vị nhà nước nhưng xử sự như vậy thật khó có thể chấp nhận được” – Đại diện nhà thầu, bức xúc phản ánh.
Cũng cần phải nói thêm rằng số tiền (gần 6 tỷ đồng) do chủ đầu tư còn nợ nhà thầu thanh quyết toán trong biên bản công nhận khối lượng thi công theo từng giai đoạn đến nay cũng vẫn không được giải quyết, nợ đọng kéo dài.
Đề nghị UBND huyện Đô Lương, UBND tỉnh Nghệ An cần phải khẩn trương xem xét, nhanh chóng bố trí nguồn vốn để trả nợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong thời kỳ doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19./.