Sau loạt bài điều tra của Báo Giao thông về hàng loạt dự án điện mặt trời núp bóng trang trại trên địa bàn cả nước, trong đó có Sơn La, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra để xác minh. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng, mọi thứ vẫn không có nhiều thay đổi. Điện lực Sơn La khẳng định, tới đây khi có kết luận của cơ quan chức năng, các chủ đầu tư không làm đúng cam kết sẽ bị dừng mua điện.
Trang trại vẫn chỉ là… trên giấy
Giữa tháng tháng 6/2021, PV trở lại các dự án điện mặt trời núp bóng trang trại đã từng được Báo Giao thông phản ánh. Thực tế cho thấy tại khu vực huyện Mai Sơn, Sông Mã, việc đấu nối, bán điện vẫn bình thường, phía dưới mái các hoạt động sản xuất, chăn nuôi diễn ra một cách cầm chừng để lấy lệ.
Những trang trại được đầu tư lên đến vài chục tỷ đồng mà PV đến ghi nhận thực tế chỉ có vài công nhân đang trông coi, cũng không có hệ thống nước để phục vụ sản xuất, nếu có thì chỉ vừa được xây dựng.
Cụ thể, tại trang trại thuộc Bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn rộng khoảng 5ha (của các đơn vị như: Công ty TNHH MTV Phạm Gia; Công ty TNHH MTV Hoàng Duy So Lar; Công ty TNHH MTV Thanh Huyền So Lar; Công ty TNHH MTV Ngọc Anh So Lar; Công ty TNHH MTV Xuân Trường So Lar), khu vực này đã được xây bằng tường gạch và hàng rào lưới thép, nhìn từ bên phía dưới mái chỉ có lác đác vài dàn nấm, còn lại hầu hết đất đều bỏ không như 3 tháng trước đây.
Tại dự án hơn 3ha thuộc ba đơn vị là: Công ty TNHH SoLar Mường Bon; Công ty TNHH SoLar Mai Sơn; Công ty TNHH SoLar, tại bản Ỏ Tra, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn), hiện có thêm vài trăm con gà, một ít lợn được chăn thả tự do, phía trên đỉnh đồi có một khu vực trồng nấm rộng chừng 500m2.
Một công nhân làm việc tại trang trại thuộc Bản Ỏ Tra cho biết, lâu nay điện vẫn bán lên lưới bình thường. Khi được hỏi tại sao trang trại nuôi gà nhưng lại ít gà, người này cho biết là gà… vừa mới xuất bán.
Còn tại dự án khoảng 1,4ha thuộc Công ty CP Hà Anh và Công ty CP năng lượng Tây Bắc, tại bản Thín, xã Sập Vặt, (huyện Yên Châu), khoảng 30% diện tích đã được trồng cây đinh lăng (mới nhú cao chừng 5-7cm), phần còn lại vẫn bỏ không. Một công nhân cho biết: “Đất ở đây cằn cỗi nên trồng cây đinh lăng sẽ không hiệu quả. Biết là vậy nhưng vẫn phải trồng vì làm theo dự án chứ thực chất giá trị kinh tế không có”.
Thực tế trên cho thấy, sau phản ánh của Báo Giao thông, một số chủ đầu tư đã cố gắng “sửa sai” bằng cách đưa một số cây trồng vật nuôi vào nhằm hợp thức hoá những khu vực sản xuất điện thành trang trại.
Tuy nhiên, các “trang trại” này đều nằm trên đỉnh đồi, đất đá cằn cỗi và không có nguồn nước, do đó, sẽ không thể có cây trồng, vật nuôi nào phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế.
Xác nhận dựa trên… cam kết của chủ trang trại
Lần đầu tiên làm việc chính thức với PV, bà Cầm Thị Khay, Phó chủ tịch huyện Mai Sơn cho biết, đầu năm 2021, Sở NN&PTNT Sơn La đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của UBND huyện Mai Sơn, lãnh đạo các phòng ban và lãnh đạo các xã có liên quan.
Đoàn đã kiểm tra toàn bộ các trang trại trên địa bàn và đã có báo cáo cụ thể gửi tới lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La.
Sau đó, huyện Mai Sơn đã tiếp tục đôn đốc việc xây dựng, hoàn thiện các trang trại, mỗi tháng đều có đợt kiểm tra, gần đây nhất vào tháng 5. Qua báo cáo, một số trang trại đã có trồng nấm, làm kho lạnh, chăn nuôi dê, gà, lợn dưới mái trang trại.
“Thời điểm đi kiểm tra, thực tế cho thấy cũng chưa thể nói đây là trang trại được vì các đơn vị đang hoàn thiện dần việc chăn nuôi. Còn về việc xã, huyện xác nhận trang trại để hoàn thiện các thủ tục bán điện thì dựa trên cơ sở… cam kết của chủ trang trại.
Mặc dù các đơn vị chưa đầy đủ các điều kiện, nhưng sau khi kiểm tra và báo cáo với các sở, ngành và tỉnh, địa phương thống nhất tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thiện dần”, bà Khay nói.
Khi được hỏi với vai trò là Phó chủ tịch huyện phụ trách lĩnh vực liên quan, cá nhân đã trực tiếp đi kiểm tra các dự án mà Báo Giao thông phản ánh chưa, bà Khay cho biết: “Anh em đi kiểm tra về báo cáo tại cuộc họp, còn trách nhiệm của địa phương là phải quản lý và giám sát hoạt động, tuy nhiên việc này chưa chặt chẽ và chưa thường xuyên. Sắp tới UBND huyện sẽ kiểm tra toàn bộ các trang trại, nếu sai phạm ở đâu thì sẽ đề xuất xử lý”.
Đối với việc xử lý trách nhiệm các lãnh đạo xã ký vào hồ sơ trang trại không đúng thực tế, bà Khay từ chối trả lời và cho biết đây là thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện.
Về phía Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, ông Lê Văn Thành, Phó giám đốc Sở cho biết, sau khi Báo Giao thông phản ánh, đơn vị đã cùng các Sở Công thương, TN&MT, Công ty Điện lực, UBND các huyện đi kiểm tra tại 5 trang trại có lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại TP Sơn La, huyện Mai Sơn, Yên Châu.
Kết quả cho thấy, các trang trại ở xã Mường Bon và Chiềng Mung, huyện Mai Sơn có sản xuất nhưng rất ít và giá trị kinh tế đem lại không thể bằng sản xuất điện mặt trời.
Thậm chí có trang trại được xây dựng nơi đất cằn, sỏi đá không thể chăn nuôi sản xuất. Tại huyện Yên Châu, trang trại nằm bên đường QL6, vị trí này có nguy cơ sạt lở rất cao, lượng đất đá san ủi rất dễ trôi xuống đường tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, việc này đoàn cũng đã có kiến nghị, yêu cầu huyện và chủ đầu tư khẩn trương xử lý.
Sẽ tạm dừng mua điện nếu không đủ điều kiện
Là đơn vị trực tiếp liên quan đến quyền lợi của các “trang trại điện”, bà Lê Thị Song Hảo, Phó giám đốc Công ty Điện lực Sơn La cho biết: “Hiện nay, đoàn thanh tra nội bộ của công ty đang đi kiểm tra xem phần mục đích sử dụng mà chủ đầu tư cam kết ở dưới mái đã thực hiện thế nào.
Đoàn sắp hoàn thành việc kiểm tra, khi đó căn cứ vào hiện trạng thực tế, chúng tôi sẽ báo cáo với Sở Công thương, còn động thái xử lý thế nào thì phải do UBND tỉnh”.
Bà Hảo cũng cho biết, một số trường hợp mà Báo Giao thông phản ánh, qua kiểm tra thì phần sản xuất dưới mặt đất chưa ổn, các trang trại có nuôi, trồng cây nhưng diện tích rất nhỏ, không đảm bảo quy mô đã đăng ký.
Khi PV đặt vấn đề vì sao Điện lực Sơn La vẫn tiếp tục mua điện và thời gian tới có xem xét tạm dừng mua điện tại các dự án mà Báo Giao thông phản ánh, bà Hảo khẳng định: “Đến hiện tại, Điện lực Sơn La chưa dừng mua điện vì trên giấy tờ đang hợp lệ.
Tuy nhiên nếu có kết luận của cơ quan chức năng, các chủ đầu tư không làm đúng cam kết với ngành điện thì điện lực sẽ dừng mua điện của những đơn vị này. Tới đây, sau khi có kết quả kiểm tra nội bộ, Ban giám đốc sẽ họp lại và xem xét có dừng mua điện hay không, mọi việc sẽ được ngã ngũ trong tháng 6 này”.
Trong một diễn biến khác, ông Lê Thế Dũng, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Sơn La cho biết, hiện nay đơn vị đang cho khoảng 10 chủ đầu tư vay để làm hệ làm điện năng lượng mặt trời mà Báo Giao thông phản ánh, mỗi chủ đầu tư được vay khoảng 10 tỷ đồng, theo hình thức cho vay bằng giá trị tài sản trên mái.
Khi PV đặt vấn đề việc cho vay có đúng mục đích và hình thức phù hợp, ông Dũng cho rằng không được cung cấp thông tin liên quan.
Trong khi đó, sau nhiều lần liên hệ với các đơn vị đầu mối như Sở Công thương, Sở TN&MT Sơn La, để tìm hiểu về việc xử lý trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát các dự án điện mặt trời núp bóng trang trại, đến nay PV vẫn không nhận được câu trả lời.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 17/6, Bộ Công thương cho biết, qua công tác kiểm tra hồ sơ và thực địa một số dự án phát triển điện mặt trời, đã phát hiện một số tồn tại trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn các địa phương.
Bên cạnh đó, ngày 7/6/2021, Bộ Công thương cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị các tỉnh tổ chức triển khai kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công thương, địa phương, EVN, Bộ Công thương sẽ tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sử dụng kết quả kiểm tra làm cơ sở để tham mưu trong quá trình xây dựng chính sách và lập quy hoạch trong thời gian tới.
Trước đó, tháng 3/2021, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện các hệ thống điện mặt trời áp mái trang trại tại Sơn La. Thời hạn cuộc thanh tra là 45 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.