a-1654820312.jpg
Nhà đầu tư đi xem đất ở Nghệ An.

Ngày 9/6, lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa có quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc tham gia đấu giá tại một số vùng quy hoạch dân cư.

Việc hủy bỏ kết quả do khách hàng được công nhận kết quả trúng đấu giá nhưng không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền đúng thời hạn theo quy định.

Từ tháng 2 đến nay, huyện Diễn Châu có 73 lô đất với tổng diện tích 13.418 m2 tại các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ có người tham gia trúng đấu giá đất nhưng bỏ cọc với số tiền trên 15 tỷ đồng. Trong số này, có một nhà đầu tư ở Hà Nội trúng 19 lô nhưng chấp nhận bỏ số tiền cọc đã nộp hơn 7 tỷ đồng

Được biết, thời điểm đấu giá đất ở các xã trên rất “nóng” khi lượng người tham gia đông, đất đấu giá tăng cao so. Tuy nhiên, có nhiều cá nhân được công nhận trúng đấu giá quyền sử dụng đất đã không nộp tiền, hoặc nộp không đủ tiền theo thời gian quy định.

Liên quan đến vấn đề này, UBND huyện Diễn Châu đã giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp cùng Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ An II để xử lý số tiền trên theo quy định pháp luật.

Ông Hoàng Thiên Long - Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn cho biết, đầu năm 2022, địa phương tổ chức đấu giá 50 lô đất với giá khởi điểm 5 triệu đồng/m2, sau đó người dân tham gia phiên đấu giá đã đẩy mức giá lên hơn 10 triệu đồng/m2. 

Mỗi khách hàng đều phải đóng cọc từ 110-150 triệu đồng. Đến nay, 32/50 lô đất này đã phải huỷ kết quả trúng đấu giá do chủ không đóng đủ tiền theo quy định.

Theo ông Long, sau khi hoàn tất thủ tục, người trúng đấu giá phải hoàn thành đóng tiền trong vòng 90 ngày, tuy nhiên rất nhiều người sau khi đóng tiền cọc thì không đóng tiền nữa. Khi hỏi một vài người trong xã trúng đấu giá chậm nộp tiền thì được trả lời vì tình cảnh bắt buộc nên chấp nhận bỏ cọc, không nhận đất.

Huyện Diễn Châu là một trong những địa phương có thị trường bất động sản vốn rất sôi động hơn một năm qua ở Nghệ An. Theo một số người làm nghề môi giới, khoảng vài tháng gần đây, người đi xem các dự án bất động sản rất ít, không còn cảnh chen chúc xem đất như một số thời điểm trước. 

b-1654820336.jpg
Một khu hạ tầng chia lô đất ở tại huyện Yên Thành, Nghệ An.

Không chỉ ở địa phương này, vào tháng 3/2021, UBND xã Nhân Thành, huyện Yên Thành đã tổ chức đấu giá 32 lô đất có giá khởi điểm trên 600 triệu đồng/lô. Trong phiên đấu giá có trên 200 hồ sơ tham gia, tuy nhiên sau đó chỉ có 18/32 lô đất nộp tiền.

Tương tự ở xã Mã Thành, huyện Yên Thành có 36 lô được tổ chức đấu giá vào hồi tháng 5/2021 nhưng chỉ có 12 lô hoàn thành nghĩa vụ tài chính, số còn lại đã bỏ cọc.

Được biết, tính đến nay, huyện Yên Thành có khoảng trên 40 lô đất còn tồn đọng sau đấu giá tập trung ở các xã Nhân Thành, Mã Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành…

Còn huyện Đô Lương cũng đang có trên 20 lô đất đã trúng đấu giá nhưng bỏ cọc, tập trung ở các xã Lạc Sơn, thị trấn Đô Lương, Thượng Sơn...

Thị trường tại đây từng có thời điểm giao dịch sôi động, nhà đầu tư về xem đất nườm nượp khiến giá đất tăng vọt, nhất là đất đấu giá “đội” giá lên gấp đôi với giá khởi điểm. Tại địa bàn các huyện Đô Lương, thị xã Hoàng Mai, các phiên đấu giá diễn ra khá sôi nổi, có những lô đất đấu giá cao từ 5,5 đến 6 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Hồng Quân (nhà đầu tư đất ở thành phố Vinh, Nghệ An) cho biết, vài tháng gần đây, nhiều cò đất chuyên mua bán đất theo hình thức lướt sóng chấp nhận bỏ cọc hàng trăm triệu đồng do thị trường bỗng chốc ế ẩm.

Bản thân anh Quân cũng đặt cọc 100 triệu đồng để mua một miếng đất 2,5 tỷ đồng, hy vọng chờ bán lướt trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, chờ đến hạn nộp tiền cũng không ai hỏi mua, anh đành huỷ hợp đồng, chấp nhận bỏ tiền đặt cọc./.