Sản phẩm lạc Sen Diễn Thịnh đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Ocop từ 2 năm nay. Mặc dù đã được biết đến ở khá nhiều thị trường nhưng việc phát triển đang gặp không ít khó khăn. Sản phẩm sản xuất chủ yếu là thủ công, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, giá thành cao. Mặc dù chất lượng sản phẩm tốt, đủ khả năng xuất khẩu ở thị trường khó tính, tuy nhiên hiện nay quy mô sản phẩm còn nhỏ, nên mỗi năm cũng chỉ đưa ra thị trường từ 5000-7000 tấn lạc.

7-1666753434.jpg
Công ty xuất nhập khẩu nông sản Sỹ Thắng, xã Diễn Thịnh, Diễn Châu mỗi năm cũng chỉ đưa ra thị trường từ 5000-7000 tấn lạc

Ông Phạm Ngọc Thắng-GĐ Công ty xuất nhập khẩu nông sản Sỹ Thắng, xã Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An nói: “Hiện nay thị trường khó khăn, trong thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, để vượt qua khó khăn này rất khó, thứ nhất sản phẩm bà con ảnh hưởng thời tiết, môi trường kinh doanh. Nhà nước nên có quy chế tạo chuỗi sản xuất, tiêu thụ để gia tăng giá trị sản phẩm”.

Cùng với lạc thì tôm nõn cũng là sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn Ocop sớm ở Diễn Châu. Năm 2016, 2017, mỗi năm sản xuất hơn 30 tấn tôm nõn, đem lại doanh thu khoảng 230 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 300 lao động vùng biển. Hiện nay do nhiều nguyên nhân, thiếu nguyên liệu sản xuất, giá cả tăng cao nên thị trường bấp bênh, tiêu thụ khó. Mỗi năm sản phẩm tôm nõn chỉ sản xuất khoảng 10 tấn, thu nhập giảm sút. Công nhân sản xuất tôm nõn phải chuyển dần sang các nghề dịch vụ khác.

8-1666753465.jpg
Cơ sở sản xuất tôm nõn Tuấn Oanh, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu giờ chỉ sản xuất khoảng 10 tấn

Ông Lê Minh Tuấn- Chủ cơ sở sản xuất tôm nõn Tuấn Oanh, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu trao đổi: “Xưởng bây giờ lác đác vài ba công nhân nên bà con cho tổ nhỏ lẻ gia đình họ làm, mình chế biến sâu, sấy ra, bóc cho gia đình tự bóc ra nõn về sấy. Thị trường tiêu thụ hiện tại đầu ra khó khăn vì giá cả lên cao. Người mua hạn chế”.

Toàn huyện Diễn Châu có 84 sản phẩm có thể xây dựng tiêu chuẩn Ocop. Hiện nay đã có 12 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietgap. Tuy nhiên cùng với tiêu chuẩn khắt khe thì nhiều nguyên nhân khiến cho sản phẩm Ocop gặp khó trong phát triển và tiêu thụ. Một số hộ sản xuất chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác, nhất là các loại giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nên chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Mặt khác, tính lan toả của sản phẩm OCOP trên thị trường còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ trong thị trường nội huyện, nội tỉnh. Để giải quyết được những khó khăn, huyện Diễn Châu đã có các giải pháp để tháo gỡ, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ trên các lĩnh vực để sản phẩm phát triển.  

9-1666753491.jpg
 
10-1666753499.jpg
 
11-1666753508.jpg
Diễn Châu có 12 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietgap

Ông Lê Thế Hiếu- Trưởng Phòng NN-PTNT Diễn Châu, Nghệ An cho biết: “Giai đoạn 2021-2025, Diễn Châu cố gắng xây dựng thêm 10 sản phẩm Ocop nữa cấp huyện, cấp tỉnh. Các sản phẩm còn lại chúng tôi cố gắng tập huấn người dân sản xuất sạch, thành lập quy trình sản xuất an toàn bền vững, an toàn thực phẩm để tổ chức làm Ocop cho giai đoạn tiếp theo 2025-2030”.

Theo kế hoạch từ nay đến 2025, Diễn Châu phấn đấu có 25 sản phẩm Ocop trên các lĩnh vực. Đây là cơ hội lớn, không chỉ khẳng định thế mạnh và tính truyền thống của sản phẩm địa phương mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Diễn Châu. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn là rất cần thiết lúc này để góp phần giúp người dân tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại./.