Những năm qua, vấn đề thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp sau thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh luôn được Nghệ An đặc biệt chú trọng bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn không ít dự án rơi vào tình trạng "dẫm chân tại chỗ".
 
Theo số liệu được Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây từ năm 2012 đến nay, qua kiểm tra 500 lượt dự án với 8 đoàn thanh tra liên ngành được thành lập, cơ quan chức năng đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định thu hồi 151 dự án chậm tiến độ với diện tích sử dụng 36 nghìn ha đất các loại. Số dự án bị thu hồi tập trung chủ yếu ở các đô thị như TP Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, nơi có các KCN, Cụm Công nghiệp đang hình thành và đi vào hoạt động.


 
Mặc dù chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây tạo mọi điều kiện nhưng Dự án Khu du lịch cầu Cau (huyện Thanh Chương) do Cienco4 làm chủ đàu tư với quy mô 1.532 tỉ đồng đến nay vẫn dẫm chân tại chỗ
 
Đặc biệt trong số đó có không ít dự án “ôm” hàng nghìn m2 đất nhưng tiến độ thi công lại theo kiểu “rùa bò” hoặc cắm mốc phân định ranh giới rồi bỏ phí suốt hàng chục năm trời. Và, không ít dự án cố tình “găm” đất rồi âm thầm trao tay bán lại.
 
Trong báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An về các dự án đã cho gia hạn, điều chỉnh tiến độ từ năm 2012 đến nay, thị xã Cửa Lò đề xuất tỉnh thu hồi 6 dự án chậm tiến độ trên địa bàn.
 
Ông Võ Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết: Qua rà soát của đối với 14 dự án đã được UBND tỉnh Nghệ An cho gia hạn trong nhiều năm, tính đến tháng 11/2019, chỉ có 3 dự án hoàn thành, còn lại nhiều dự án không triển khai hoặc tiến độ chậm, thị xã đã đề xuất UBND tỉnh thu hồi 6 dự án chậm triển khai xây dựng.
 
Được biết, những dự án UBND thị xã Cửa Lò đề xuất lên tỉnh thu hồi lần này đều nằm ở những vị trí đắc địa có tổng diện tích lên đến 50.245 m2 tại thành phố biển sầm uất nhất tỉnh Nghệ An hiện nay. Trong số đó, một số dự án không được nhà đầu tư triển khai sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, như: Dự án Trung tâm hoạt động của Hội Phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia do Hội Phát triển kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia làm chủ đầu tư được cấp phép năm 2011.
 
Bên cạnh đó, có một số dự án triển khai một cách "chiếu lệ", như Dự án tư vấn và vật lí trị liệu tâm lí do Trung tâm tư vấn và trị liệu tâm lí tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư cũng bị đề nghị thu hồi. Dự án có qui mô Nhà điều dưỡng cao 5 tầng và các hạng mục phụ trợ được gia hạn đến ngày 01/9/2019 tại Quyết định số 4161/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh Nghệ An, tuy nhiên đến nay mới xây dựng hàng rào bao quanh khu đất.


 
Câu chuyện dự án treo, dự án chậm tiến độ đang là bài toán nhức nhối và cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền Nghệ An 
 
Không chỉ ở những khu đô thị, có những dự án mang tính "đột phá", với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cũng chỉ nằm trên giấy như Dự án khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau tại huyện Thanh Chương, do Cienco 4 làm chủ đầu tư, với quy mô 1.532 tỉ đồng.
 
Dự án khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2/2017 tại Quyết định 550/QĐ-UBND, đến tháng 12/2017 tiếp tục có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000.
 
Quy mô dự án rộng hơn 449 ha, trong đó phần khai thác mặt hồ 83,9 ha, trồng cây xanh 280 ha, diện tích còn lại sẽ hình thành 5 khu chức năng, bao gồm: khu đón tiếp; khu nghỉ dưỡng; khu vui chơi, giải trí; khu làng nghề và khu thiền viện.
 
Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư mới chỉ thỏa thuận đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng với các hộ dân được 28,5ha/288.33ha diện tích đất với giá thỏa thuận 10,7 tỉ đồng, nhưng chưa chi trả cho người dân.
 
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An lần thứ 12 nhiệm  kỳ 2016 - 2021 vừa qua,  ông Nguyễn Hữu Vinh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương đề cập, theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2012 đến năm 2018, UBND tỉnh thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 500 lượt dự án. Qua kiểm tra, tỉnh có quyết định thu hồi 151 dự án với diện tích sử dụng 36.000 ha đất. Điều đó cho thấy, các chủ đầu tư còn thiếu tính quyết liệt trong quá trình triển khai các dự án đã đăng ký.
 
Cùng với đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng cần được thực hiện một cách minh bạch, công khai và đúng thời hạn để tạo sự đồng thuận trong xã hội và củng cố lòng tin của người dân vào các dự án đang và sẽ được triển khai trên địa bàn.
 
Một thực tế trong câu chuyện dự án treo, dự án chậm tiến độ đó là, để có mặt bằng phục vụ các dự án, các cấp chính quyền đã vận động người dân nhường hàng chục nghìn héc ta đất nông nghiệp để nhà đầu tư vào xây dựng. Không có tư liệu sản xuất, trong khi đất đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư thực hiện nhưng bỏ hoang khiến người dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
 
Với hàng trăm dự án bị tỉnh Nghệ An thu hồi trong thời gian qua đều được nhà đầu tư trước đó đã vẽ ra “viễn cảnh” rất hoành tráng. Tuy nhiên, thực tế những dự án này chỉ nằm trên giấy và các mô phỏng khi nhà đầu tư thuyết trình với tỉnh Nghệ An.
 
Theo phân tích của các cơ quan chức năng, có rất nhiều nguyên nhân khiến dự án treo, dự án chậm tiến độ kéo dài trên địa bàn Nghệ An đang tồn tại trong suốt thời gian qua. Đó là công tác thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án đối với các nhà đầu tư của cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa được chặt chẽ. Mặt khác, cơ chế thu hút dự án của địa phương nhiều lúc còn nóng vội hoặc cả nể nên nhiều nhà đầu tư có thể dễ dàng “đi tắt” để qua mặt.
 
Sắp tới, UBND tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nhân dịp đầu xuân theo thông lệ, hy vọng rằng bên cạnh việc xúc tiến, thu hút đầu tư, các cấp Chính quyền Nghệ An cần đánh giá một cách nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan hơn nữa các cơ chế, chính sách trong thời gian qua, không để tình trang "cầm vàng lại để vàng rơi" như lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư xuân Kỷ Hợi - 2019.