“Hậu Covid-19, doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi trong sản xuất kinh doanh, thậm chí “thay máu” hoàn toàn. Người lao động không thể ngồi chờ mà phải trau dồi kỹ năng, tìm cơ hội việc làm mới”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với PV Dân trí về giải pháp cho lao động khi không may rơi vào cảnh thất nghiệp do tác động của dịch Covid-19.
Chủ động trau dồi kỹ năng
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, câu chuyện người lao động thất nghiệp rất khó tránh khỏi, đặc biệt là với nhóm lao động có trình độ thấp, quá tuổi hoặc ở vị trí việc làm không phù hợp với kế hoạch phát triển tiếp theo của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Lan Hương cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với người lao động là trình độ kỹ năng, tay nghề.
“Người lao động đừng trông chờ thị trường lao dộng hậu Covid-19 rồi sẽ trở lại trạng thái bình thường như trước đây để có thể quay trở lại nơi làm việc cũ, tiếp tục công việc ở vị trí cũ. Doanh nghiệp nếu có mở rộng sản xuất cũng sẽ có nhiều thay đổi. Thậm chí "thay máu" hoàn toàn và đòi hỏi lao động phải có chất lượng cao hơn, đặc biệt những kỹ năng như tin học, ngoại ngữ…” - tiến sĩ Lan Hương nhấn mạnh.
Đưa ra lời khuyên với người lao động, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng: “Người lao động muốn thích nghi được với thị trường lao động trong thời gian tới thì phải được đào tạo lại, phải trau dồi kỹ năng, phải chuẩn bị tâm lý và có sự đầu tư cho việc chuyển đổi việc làm”.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều gói hỗ trợ các nhóm đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra đối với lao động thất nghiệp, Nhà nước đã có chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có hỗ trợ đào tạo nghề để lao động có cơ hội sớm quay trở lại thị trường.
Chủ động chuyển đổi việc làm
Thông tin thêm về cơ hội việc làm, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết, hiện nay là thời điểm các doanh nghiệp đang khôi phục quá trình sản xuất, kinh doanh sau khi tạm dừng hoặc phải sản xuất cầm chừng trong thời gian dài vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Vì vậy, số lượng việc làm cần tuyển dụng sẽ có sự chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đơn cử tại Hà Nội, số liệu thống kê từ 1/8 đến nay, có 347 doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch việc làm. Trong đó có 181 doanh nghiệp mới với hơn 4.000 chỉ tiêu tuyển dụng với mức lương tháng khởi điểm từ 7- 10 triệu đồng/người.
Các chỉ tiêu tuyển dụng đa số đến từ nhóm ngành nghề thương mại, dịch vụ, chế biến thực phẩm đang được tuyển nhiều, như chế biến và bảo quản rau quả, kinh doanh ô tô, bất động sản, viễn thông,..
Dịch Covid-19: Lao động thất nghiệp cần chủ động tìm cơ hội việc làm mới - 2Nhấn để phóng to ảnhHọc viên học thực hành tại lớp học may công nghiệp tại Trung tâm DVVL Hà Nội
Cũng theo ông Tạ Văn Thảo, mục tiêu lớn nhất của chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng đến giúp cho người lao động thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động.
Chính vì vậy, ngoài việc nhận khoản trợ cấp thất nghiệp, người lao động mất việc làm còn được hưởng thêm nhiều chế độ hỗ trợ khác, trong đó có học nghề miễn phí.
Cụ thể, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động nếu có nhu cầu học nghề chỉ cần làm đơn đăng ký là sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền trong suốt khóa học.
Mỗi tháng người lao động sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng, thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng. Sau khi tốt nghiệp nghề, lao động sẽ được giới thiệu đến các doanh nghiệp làm việc hoặc tự tìm việc làm.
Hiện Trung tâm DVVL Hà Nội tổ chức đa dạng các khóa học nghề như: Kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống, tin học văn phòng, sửa chữa xe máy, may công nghiệp.
Những nghề này có thời gian đào tạo 3 tháng. Học viên sau khi kết thúc khoá học sẽ được cấp chứng chỉ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành và được giới thiệu việc làm miễn phí. Với những nghề như nấu ăn, gần như học viên nào muốn đi làm sẽ được tuyển dụng ngay…
Do đó, người lao động cần tận dụng tốt chính sách hiện có để duy trì cuộc sống trong giai đoạn khó khăn và tìm cơ hội việc làm mới.