Sáng 18/12, Sở Y tế Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến với nội dung tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các huyện, thành, thị và các đơn vị y tế trong tỉnh tại 65 điểm cầu.
Ghi nhận gần 100 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày
Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An: Tính từ đầu đợt dịch đến ngày 17/12/2021, toàn tỉnh đã ghi nhận 6.248 bệnh nhân mắc COVID-19 tại 21 địa phương. Trong 14 ngày gần đây (04/12-18/12) dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, tỉnh đã ghi nhận 1.390 ca nhiễm mới (trung bình ghi nhận gần 100 ca /ngày, chưa có dấu hiệu giảm), với trên 66% ca nhiễm không có triệu chứng. Ghi nhận 284 ca (20%) trong cộng đồng tại 20/21 huyện/thành/thị.
Dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang tiềm ẩn nguy cơ cao, diễn biến diện rộng: Ca mắc cộng đồng liên tục xuất hiện ở nhiều địa phương, do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Dịch bệnh đã xâm nhập vào các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện và một số địa điểm tập trung đông người... Dịch có nhiều nguy cơ bùng phát mạnh trong những ngày lễ, tết sắp tới.
Trong khi đó, tại Nghệ An, số người trên 18 tuổi tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID-19: 1.928.981 (chiếm tỷ lệ 98,4% người trên 18 tuổi thực tế đang có mặt trên địa bàn). Số người tiêm đủ mũi cơ bản là: 1.517.576 người (chiếm tỷ lệ 78% người trên 18 tuổi thực tế đang có mặt trên địa bàn). Đã có 157.157 cháu được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (chiếm 50% trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi, cơ bản đã bao phủ mũi 1 cho các trường hợp trong độ tuổi THPT).
Tuy nhiên, qua khảo sát và đánh giá vẫn còn có nhiều trường hợp chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Điều này cho thấy: Công tác rà soát, thống kê, thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại một số địa phương vẫn chưa được thực hiện tốt.
Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã được tập huấn triển khai Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir, hướng dẫn triển khai các nội dung liên quan đến tiến hành sàng lọc bệnh nhân, thu thập phiếu thông tin và tổ chức ký cam kết; Điều trị, theo dõi bệnh nhân quản lý, cấp phát, sử dụng, theo dõi biến cố bất lợi và các nội dung liên quan đến công tác dược; Hướng dẫn công tác thu thập, báo cáo dữ liệu, ghi chép thông tin điều trị…
Phát biểu kết luận hội nghị, PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Phó Chỉ huy Trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: Trong bối cảnh mở cửa và thực hiện kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các ca nhiễm trên địa bàn tăng nhanh. Vẫn đang còn một số tồn tại cần khắc phục trong công tác cách ly y tế, công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và công tác thu dung, điều trị người bệnh COVID-19…
PGS.TS Dương Đình Chỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị y tế tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt, toàn diện công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo các quan điểm, chủ trương mới của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế; Ban chỉ đạo tỉnh và Sở Y tế; thường xuyên cập nhật, điều chỉnh phương án, kế hoạch phòng, chống dịch để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và diễn biến của dịch bệnh, theo phương châm “4 tại chỗ”; phát huy tối đa vai trò của tổ COVID cộng đồng trong công tác quản lý, giám sát chặt chẽ di biến động về cư trú.
Các địa phương cần tổ chức đánh giá và xác định cấp độ dịch đối với từng khu vực quy mô cấp xã, liên xã; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, lập danh sách cụ thể các đối tượng theo từng độ tuổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID -19 chưa tiêm vắc xin, tiêm liều vắc xin bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân
Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn; tăng cường công tác truyền thông, liên tục dưới nhiều hình thức, đa phương tiện (truyền hình, báo chí, mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh xã, phường,…) nhằm nâng cao ý thức của người dân không chủ quan, không hoang mang cũng như hiểu đúng, đồng thuận với các biện pháp phòng, chống dịch cũng như trong triển khai chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn, tiếp tục duy trì phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch ở tất cả các khu dân cư, triển khai hoạt động mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả./.