Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ban thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, lãnh đạo Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Công đoàn Viên chức và 59 Công đoàn cơ sở.
Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ về việc ban hành Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Công văn số 1116/LĐTBXH-BĐG ngày 20/6/2021 của Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2021-2030.
Kế hoạch được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh, Thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, xóa bỏ tư tưởng định kiến về giới, bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức, sự tham gia của mỗi cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng đối với công tác bình đẳng giới, huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới.
Từ mục tiêu chung, kế hoạch đã đề ra những mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực chính trị, kinh tế - lao động, y tế, giáo dục – đào tạo, thông tin truyền thông và trong đời sống gia đình và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Theo đó, một số mục tiêu nổi bật là đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, 60% tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương, 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn, 40% tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, 80% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới… Để thực hiện những mục tiêu trên cần phát truy được vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong các cơ quan, đơn vị.
Một trong những điểm mới trong kế hoạch này là phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới trên địa bàn tỉnh.
Trên cở sở các nội dung của kế hoạch, đại diện CĐCS đã có nhiều ý kiến góp ý chất lượng, phù hợp với điều kiện, tính chất và đặc thù của đơn vị. Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm thực hiện bình đẳng giới.
Giải đáp một số thắc mắc, vấn đề của các đại biểu trong phần tham luận, ban tổ chức hội thảo đã nhấn mạnh vai trò của tổ chức công đoàn, vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong thực hiện bình đẳng giới, thúc đẩy nam giới tham gia bình đẳng giới một cách thực chất, tổ chức các phong trào cho nam giới... Thực tế cho thấy, ở nhiều đơn vị, vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác bình đẳng giới chưa thực sự được phát huy, không ít đơn vị nhầm tưởng đây là công tác của bộ phận nữ công. Hiểu lầm này dẫn đến việc công tác bình đẳng giới chưa thực sự đạt được kết quả như kỳ vọng.
Cũng trong dịp này, Công đoàn viên chức Nghệ An đã giới thiệu chương trình phúc lợi đoàn viên mà LĐLĐ tỉnh đã ký kết dành cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An./.