Ðến với Côn Ðảo bây giờ không còn phải mất nhiều thời gian, di chuyển nhiều như trước. Xuất phát từ Cần Thơ, du khách có thể chọn đi bằng máy bay hoặc tàu cao tốc, chỉ mất vài giờ là đã có thể đặt chân đến Côn Ðảo. Những ngày sau Tết và trước khi mùa mưa đến, là một trong những khoảng thời gian lý tưởng để đến với đảo.
 
Ðến Côn Ðảo mùa này là một trải nghiệm đáng nhớ, khi biển lặng, trời xanh, cát trắng, nắng vàng... làm đắm say du khách. Côn Ðảo không ồn ào, không sôi động như Nha Trang, Vũng Tàu hay Phú Quốc mà khoác cho mình vẻ trầm mặc, tĩnh lặng, yên bình.
 
Ngày mới ở Côn Ðảo có thể bắt đầu với trải nghiệm tắm biển. Biển Côn Ðảo sạch và trong xanh, đứng dưới biển thấy cả chân mình trụ vững trên nền cát trắng phau. Những con sóng gợn lăn tăn trong làn nước biển mát dịu mang đến cho du khách những phút thư giãn khó quên. Ðịa điểm tắm biển và ngắm bình minh, hoàng hôn Côn Ðảo được nhiều người chọn là gần khu vực Di tích Cầu tàu 914. Cũng có nhiều người đến đây chỉ để chụp những bức ảnh với biển xanh, gối trên nền đồi núi mênh mông, hàng cây cổ thụ, nắng chiếu lung linh...
 
Ði Côn Ðảo, không thể nào bỏ lỡ chuyến tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Ðảo. Ði để thấu hiểu và trân quý giá trị của hòa bình mà các thế hệ tiền nhân đã đổ bao máu xương để có được hôm nay. Giá vé cho chuyến tham quan là 50.000 đồng cho 5 điểm đến, gồm: Bảo tàng Côn Ðảo, Di tích Nhà chúa đảo, Di tích Trại Phú Hải, Di tích chuồng cọp Pháp và Di tích chuồng cọp Mỹ. Ðể tham quan trọn vẹn 5 điểm này, du khách sẽ tranh thủ dành cả 1 buổi mới đủ thời gian tham quan và cảm nhận.
 
Ðêm về, hầu như mọi du khách đến với Côn Ðảo đều đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Những làn khói hương lan tỏa, những tấm lòng đến đây với tâm thế tri ân những người đã nằm xuống nơi đảo xa khơi cho Tổ quốc, mãi mãi trường tồn. Người thì đông nhưng không khí trang nghiêm, tĩnh lặng luôn được giữ gìn, ai cũng muốn lắng lòng mình trước từng phần mộ của các anh hùng, liệt sĩ.
 
Với nhiều người, đi Côn Ðảo chỉ để... ngắm cây xanh thôi cũng thỏa lòng. Cây xanh có nhiều nhưng cây bàng Côn Ðảo được xem là đặc trưng nhất. Những hàng bàng cổ thụ nối tiếp nhau trên những cung đường, góc phố ở Côn Ðảo. Những gốc cây với dáng hình kỳ vĩ, mang dấu tích thời gian này phần nhiều đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
 
Mùa này, Côn Ðảo còn có những hàng bằng lăng trổ hoa lãng mạn. Ðặc biệt, đa phần đều là bằng lăng bông trắng, phớt hồng, nhìn cứ như hoa đào ở Sa Pa vậy. Thư thả từng bước chân nhẹ nhàng dưới hàng cổ thụ, bông lả chả rơi trong làn gió biển lao xao, hai bên đường là những vách tường trăm năm rêu phong trầm mặc. Xiết bao cảm xúc tìm về cho một chuyến ngao du Côn Ðảo.


 
Chợ Côn Đảo phong phú các loại hải sản.
 
Côn Ðảo có phần sôi động khi đêm về. Trên những trục đường chính như Phạm Văn Ðồng, Tôn Ðức Thắng, Nguyễn Huệ... những quán ăn vặt giúp cho du khách có một chuyến trải nghiệm thú vị. Khách du lịch có thể thưởng thức hương vị biển với những món đặc sản như cháo hàu, mực một nắng, cá thu một nắng, gỏi cá nhám... Giá hải sản ở đây không rẻ, nhưng bù lại rất tươi ngon. Ăn trái cây dầm và nhâm nhi hạt bàng rang muối cũng là lựa chọn của nhiều người.
 
Trước khi rời Côn Ðảo, du khách nên dạo một vòng chợ Côn Ðảo để mua quà về cho người thân. Vì là chợ đảo nên hải sản là mặt hàng phong phú nhất. Những con cá, con mực, con tôm tươi sống, đỏ au được bày một hàng rất dài để du khách lựa chọn. Dù đi tàu hay máy bay thì cũng an tâm khi hàng hóa được các tiểu thương ở chợ đóng thùng rất kỹ, đảm bảo không bị hư hao và có thể vận chuyển.
 
Côn Ðảo không quá rộng và phương tiện vận chuyển công cộng nhiều, nhất là taxi và xe điện. Xe điện ở đây chạy liên tục, có đồng hồ tính tiền như taxi, thông thường điểm này qua điểm kia chỉ khoảng 20.000 đồng/chuyến, rất thuận tiện và lại càng rẻ hơn nếu đi đông người. Các du khách trẻ tuổi, thích “phượt” thì chọn cách mướn xe máy, chỉ khoảng 150.000 đồng đến 200.000 đồng, tùy loại xe, cho cả ngày ngao du bãi biển, rừng nguyên sinh, các điểm đến tâm linh.../.