“Văn bia là một thể loại của văn học, thuộc dạng văn hóa bác học và tất nhiên đó là tác phẩm phi vật thể. Một tác phẩm (bài văn bia) thường ra đời sau một hoàn cảnh, một sự kiện nhất định. Không ai sáng tác một câu chuyện hoang tưởng để khắc vào bia” (Văn bia Nghệ An - Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An - NXB NA tr 11, 2004). Thế nhưng, với Đền Bà Chúa Chè Hạnh Lâm thì Văn bia lập ngày 23/11/2017 lại có những điều khác với “Sự tích - Sắc phong” của Đền có từ thời Nguyễn.
Nguyên văn: Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
敕乂安省清漳縣源潔坊從前奉事原贈清妃翊保中興本境城城隍玉女王靈枎尊神護國庇民稔著靈應節蒙頒給敕封準源潔坊奉事肆今正值朕四旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆登秩著加贈齋肅中等神神特準奉事用志國慶而申祀典欽哉 .啟定九年七月二十五日
Phiên: Sắc Nghệ An tỉnh Thanh Chương huyện Nguyên Khiết phường tòng tiền phụng sự Nguyên tặng Thanh Phi Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành hoàng Ngọc Nữ vương linh phù tôn thân hộ quốc tỉ dân nhẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp Sắc phong chuẩn Nguyên Khiết phường phụng sự. Tứ kim chính trị Trẫm Tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ gia tặng Trai túc trung đẳng thần đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển Khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.
Dịch: Sắc phong cho phường Nguyên Khiết huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An theo như trước phụng sự tôn thần Nguyên tặng Hiền lương Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành hoàng Ngọc Nữ vương linh phù giúp nước cứu dân nghiêm có linh ứng từng được Sắc phong chuẩn cho phường Nguyên Khiết phụng sự. Nhân dịp Trẫm Tứ tuần đại khánh từng bao bảo chiếu đàm ân, theo lễ nâng bậc, nay gia tặng Tế Phù (Che chở - Giúp đỡ) trung đẳng thần. Chuẩn cho dân phường phụng sự như trước, ghi nhớ ngày quốc khánh, tế tự theo điển lễ. Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
Văn bia Đền Bà Chúa Chè Hạnh Lâm.
Đền Bà Chúa Chè thuộc xã Hạnh Lâm huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An được xây dựng vào thời Nguyễn để thờ “Trà Lâm ngọc nữ Văn nương công chúa” và phối thờ bà Đinh Thị Nguyệt. Thần “Trà Lâm ngọc nữ Văn nương công chúa”(1) có công giúp vua Lê Lợi đánh giặc và thường hiển linh giúp dân đánh đuổi thú dữ, bảo vệ mùa màng, vật nuôi. Thần được nhân dân làng Đồi Chè xã Man Lâm(2) (nay thuộc xã Hạnh Lâm) tôn làm Thành hoàng và được các triều đại phong kiến Sắc phong “Trung đẳng thần”. Bà Đinh Thị Nguyệt (Hậu duệ Tiến Sỹ Đinh Nhật Thận) có nhiều đóng góp cho hai cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Trần Tấn - Đặng Như Mai (1874) và Tiến sỹ Đinh Văn Chất (1885). Trong các cuộc khởi nghĩa, bà luôn luôn hăng hái tham gia các hoạt động do thủ lĩnh giao phó như đốc suất binh lương, vận động nhân dân giúp đỡ nghĩa quân.
Đặc biêt, sau khi cuộc khởi nghĩa của Đinh Văn Chất thất bại, ông bị thực dân Pháp hành hình, chính bà Đinh Thị Nguyệt là người đã bí mật lấy trộm đầu của thủ lĩnh về chôn cất thờ phụng. Nguyên xưa, Đền gồm 2 tòa bái đường và hậu cung. Đến năm 1970, Bái đường được đưa về làm kho Hợp tác xã; Hậu cung bị hư hỏng nặng. Năm 1998, chính quyền và nhân dân xã Hạnh Lâm đã đưa Bái đường về vị trí cũ. Năm 2002, Hậu cung được phục dựng(3).
Đặc biêt, sau khi cuộc khởi nghĩa của Đinh Văn Chất thất bại, ông bị thực dân Pháp hành hình, chính bà Đinh Thị Nguyệt là người đã bí mật lấy trộm đầu của thủ lĩnh về chôn cất thờ phụng. Nguyên xưa, Đền gồm 2 tòa bái đường và hậu cung. Đến năm 1970, Bái đường được đưa về làm kho Hợp tác xã; Hậu cung bị hư hỏng nặng. Năm 1998, chính quyền và nhân dân xã Hạnh Lâm đã đưa Bái đường về vị trí cũ. Năm 2002, Hậu cung được phục dựng(3).
Hàng năm, tại đền, diễn ra nhiều kỳ lễ trọng, lớn nhất là lễ Khai hạ được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng thu hút đông đảo nhân dân địa phương và vùng phụ cận về tham dự.
Đền Bà Chúa Chè được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp tỉnh, tại QĐ số 4668/QĐ-UB ngày 22 tháng 9 năm 2014. Ngày 23 tháng 11 năm 2017.
Trong bản chép lại, những đoạn văn bia (trong chú thích 1,2,3) là những vấn đề cần trao đổi, nhằm sáng tỏ những vấn đề cần được sáng tỏ:
Thần hiệu: “Trà Lâm Ngọc nữ nương công chúa...” là Thần hiệu của Bà Chúa Chè và “Hương Yên Ngọc nữ nương công chúa...” là Thần hiệu của Bà Chúa Yên.
Đền Bà Chúa Chè (ở xóm 1) và Đền Bà Chúa Yên (ở xóm 2 xã Hạnh Lâm hiện nay) nguyên là 2 ngôi đền thờ hai vị thần Thành hoàng của Phường Nguyên Khiết, tọa lạc trên địa phận thôn Nhàn Lạc, hữu ngạn Sông Giăng, chứ không phải là làng Đồi Chè xã Man Lâm như Bia đã tạc. Xin được lưu ý: Theo sách “Thanh Chương huyện chí II”, số thư tịch A97bis Thư viện Quốc gia, dưới thời Nguyễn, tổng Cát Ngạn gồm 8 xã, 5 thôn, 3 phường trực thuộc. Trong đó: Xã Man Lâm (thời Đồng Khánh (1885-1888) đổi là xã Hạnh Lâm) là 1 trong 8 xã; Thôn Nhàn Lạc là 1 trong 5 thôn và Phường Nguyên Khiết là 1 trong 3 phường trực thuộc tổng.
“Sự kiện đưa Bái đường về làm trụ sở....”, Lịch sử xã Hạnh Lâm, NXB NA-2014 trên tr 57, 58/376 ghi nhận: “... Vào những năm 1958, 1959, Đền thờ cụ Thượng Đình ở xóm 6 bị tháo dỡ để làm các công trình phục vụ dân sinh. Năm 1982, 1983 UBND xây dựng lại đền và dùng làm trụ sở. Khoảng năm 1997 - 1998, văn phòng UBND xã chuyển về vị trí hiện tại thuộc xóm 4 xã Hạnh Lâm”. Với Đền Bà Chúa Chè (xóm 1) và Đền Bà Chúa Yên (xóm 2) không ghi nhận sự kiện dỡ đền rồi lai dựng đền…
Để sáng tỏ thêm, tiếp sau đây, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược vài nét về thân thế và sự nghiệp của các vị thủ lĩnh và các nghĩa sĩ phong trào cùng bối cảnh sự kiện; lịch sử đã diễn ra trên hai bờ Sông Giăng, thủa ấy (Tư liệu sau đây dựa theo bài “Cụm Di tích thời Cần vương....” trên tr.285-298 cuốn “Lịch sử xã Hạnh Lâm”).
Nghĩa sĩ Cần vương Đinh Văn Chất (1843-1887)
Cụ Đinh Văn Chất, người xã Kim Khê, nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, là con của cụ Đinh Văn Kế, là cháu nội Tiến sĩ Đinh Văn Phác, là chắt ngoại cụ Nguyễn Du, Tiên Điền. Năm 22 tuổi, đậu Cử nhân; 29 tuổi, đậu Tiến sĩ khoa Ất Hợi - Tự Đức (1875). Làm quan Tri phủ Nghĩa Hưng (Nam Định).
Năm 1882, quân Pháp xâm lược Bắc kỳ, thành Nam Định thất thủ, binh thuyền chúng bao vây thành phủ Nghĩa Hưng. Cụ đóng chặt cổng thành, cho quân lính đào hào đắp công sự, kháng cự. Bọn giặc Pháp bắn phá, một số nhà trong phủ bị cháy, Cụ vẫn áo mũ chỉnh tề, bình tĩnh ngồi giữa phủ đường. Trước mặt, Cụ bày một thanh gươm, một chén thuốc độc, thề cùng sống chết bảo vệ phủ đường chứ không đầu hàng. Quân Pháp tấn công nhiều đợt nhưng không vào được thành, chuyển sang dụ hàng, Cụ vẫn không nghe. Bọn chúng đành phải tạm rút lui. Hôm sau, chúng quay lại thì Cụ và quân lính đã rút đi. Cùng lúc ấy, khi quân Pháp đánh vào thành Nam Định, kinh lược xứ Bắc kỳ, Nguyễn Chánh án binh bất động ở đồn Đặng Xá, cách tổng thành khoảng 5 km, không hề chống cự, để thành Nam Định dễ dàng lọt vào tay giặc.
Trước hành động đó, Cụ làm bài thơ chửi Nguyễn Chánh:
Thành trì phó mặc mấy thằng Tây/ Thế cũng cân đai với mũ giầy
Một nước cơ đồ tan nát vậy/ Muôn dân đồ thán xót xa thay
Những phường trớ đậu ngồi trơ mặt/ Mấy lũ can thành đứng khỏa tay
Cơm nặng áo dày mà lại thế/ Phong trần rửa mặt nói sao đây.
Năm 1883, khi quân Pháp chiếm toàn bộ tỉnh Nam Định, cụ phụng chỉ Thanh Hóa Thương biện quân vụ và sau đó được phong Sơn phòng chánh sứ.
Một thời gian sau, cụ từ quan tìm đường ứng nghĩa Cần vương. Kinh lược Nguyễn Chánh nhiều lần viết thư khuyên cụ ra làm quan nhưng cụ nhất mực từ chối. Cụ trở về quê hương cùng văn thân sĩ phu tỉnh nhà, chiêu tập nghĩa binh dựng cờ khởi nghĩa ở Nghi Lộc.
Dấy lên cùng thời với Cụ, ở Nghệ An còn có: 1, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chính, Nghi Lộc; 2, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, Diễn Châu; 3, Hoàng giáp Nguyễn Đức, Nam Đàn; 4, Tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành, Đô Lương; 5, Phó bảng Lê Doãn Nhạ, Yên Thành; 6, Cử nhân Chu Đình Trạc, Yên Thành.
Trước nguy cơ bùng nổ một cuộc khởi nghĩa to lớn và lâu dài ở những nơi có truyền thống đấu tranh, triều đình Huế đã viện tới sự giúp đỡ của Toàn quyền Pháp ở Đông Dương.
Tháng 8 năm 1885, viễn binh Pháp đã đổ bộ vào Cửa Hội, Nghệ An. Các quan Nam triều ở Nghệ An đã kéo nhau xuống tận cửa biển đón chúng vào thành.
Để bảo toàn lực lượng đánh nhau lâu dài với quân Pháp, nghĩa quân đã chuyển dần căn cứ địa lên vùng núi “Ba Con Bò” thuộc vùng núi Thạch Bàn, Thanh Chương. Từ đó, chiến tuyến được kéo dài và sâu đến các vùng Thanh Liêu, lên tới Hạnh Lâm, qua vùng núi Con Cuông bây giờ, lên vùng Khe Chai, Đông Hương bám trụ đường 7 - sông Giăng, lên tận vùng Tương Dương sát biên giới Việt Lào. Như vậy là chiến tuyến nghĩa quân kéo dài hơn 100 cây số, xa tỉnh lị, gần núi rừng, tiến thoái lưỡng tiện. Khi thuận lợi thì nhanh chóng kéo về chiếm tỉnh lị, khi khó khăn thì rút lui nhanh chóng vào rừng hoặc sang Lào.
Cuộc chiến đấu đã diễn ra nhiều trận ác liệt theo phía Nam trục đường 7 và hai bên bờ sông Giăng và phía Nam bờ sông Lam mạn trên, có lúc tiến sát vào vùng biên giới Việt -Lào. Thực dân Pháp và địa phương quân của Nam triều ở Nghệ An cũng bị hao tổn rất nhiều về người và của. Nhiều lần chúng phải tăng cường viện binh, tập trung lực lượng để đàn áp lực lượng nghĩa quân. Từ cuối năm 1885 đến giữa năm 1887, nghĩa quân phải chiến đấu trên một chiến tuyến rộng, ngày càng tiến sâu vào núi rừng, lương thực tiếp tế ngày càng khó khăn, lực lượng hao mòn, giảm sút. Các văn thân lãnh đạo nghĩa quân phần nhiều bị ốm, bị hi sinh. Cụ Đinh Văn Chất cuối cùng đã bị Pháp bắt. Nhưng để tránh mang tiếng tội ác, thực dân Pháp giao cho triều đình Nam triều nghị tội.
Năm Đinh Hợi 1887, cụ bị Đồng Khánh khép tội “khi quân” và hạ chiếu “Tru di tam tộc” (Đồng Khánh lúc này đã kí hiệp ước đầu hàng thỏa hiệp với Pháp)
Ngày 17/10 năm Đinh Hợi tức ngày 28/11/1887 cụ bị hành hình. Đầu cụ bị cắm cọc bêu ở chợ Lạt, Thanh Chương mấy ngày liền. Một hôm, bà Đinh Thị Mén con tri huyện Thanh Chương thương tình, ban đêm lén ra chợ lấy một tấm lụa điều gói đầu cụ đưa về chôn cất. Còn thây cụ chúng cho đưa về chôn tại quê nhà. Sau khi chết cụ thường hiển ứng nên dân sở tại thương tiếc và lập đền thờ.
Con trai cụ là Đinh Văn Báu, hai cháu con em ruột Đinh Văn Uyển là Đinh Văn Thiều, Đinh Văn Côn cùng bị bọn quan lại triều đình giết hại. Cụ Đinh Văn Uyển lúc đó là học trò đầu xứ cũng bị bắt giam.
Con em trong họ, trong làng làm nghĩa quân theo Cụ, sau khi Cụ bị chết chém đã tan tác mỗi người một phương tránh nạn.
Vua Hàm Nghi, khi đó đang ở căn cứ Cần vương Tân Sở phía Tây Quảng Bình, nghe tin cụ bị hại đã đau lòng và gửi bài thơ điếu trong đó có câu:
“Văn sơn bất tử do tồn Tống/ Đông Hải như sinh khẳng đế Tần”
Dịch: Trời để Ông Văn còn nước Tống/ Đời nào chàng Lộ chịu vua Tần.
(Theo “Nghĩa sĩ Cần vương Đinh Văn Chất (1843-1887)” do Đinh Văn Niêm, Đại tá, hậu duệ họ Đinh viết năm 2004, tại Hà Nội).
Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (Nxb CTQG Hà Nội - 2005) ghi nhận: “Tiến sĩ Đinh Văn Chất (quê Nghi Lộc) đưa quân lên đóng đô ở Đồn Chè làm nơi mở trường dạy võ, luyện tập nghĩa binh. Khi giặc Pháp kéo lên Vều, Đinh Văn Chất đã cùng cai tổng Phạm Văn Trầng, Quản Hùng, Quản Lung chỉ huy nghĩa quân đánh giặc.
Bà Đinh Thị Nguyêt (tức bà Cửu Mén) trước đó đã làm đốc suất binh lương cho Trần Tấn trong Khởi nghĩa Giáp Tuất,1874, nay lại hăng hái tham gia việc giúp nghĩa quân Cần vương. Sau khi Đinh Văn Chất bị giặc Pháp bắt và xử chém ở Đồn Chè, bà Cửu Mén cùng vài thân tín đã bí mật lấy trộm đầu Đinh Văn Chất về chôn cất và thờ cúng (sdd, tr34,35).
Bà con làng vạn Nguyên Khiết - Hạnh Lâm từ bao đời nay lưu truyền câu chuyện: Khi giặc Pháp kéo quân lên Vều, thượng nguồn sông Giăng, Cụ Nghè Đinh đã cùng các vị thủ lĩnh chỉ huy nghĩa quân đánh giặc. Trước sức tấn công của đội quân được trang bị súng ống hiện đại, nghĩa quân phải tản vào chốn rừng sâu hai bên bờ sông, lẩn tránh. Một hôm, có hai ông bà nhà vạn đang đánh cá ở xứ Trống thì bắt gặp một số nghĩa quân đang lượm quả hái rau rừng ven sông và họ nhờ ông bà về mua lương thực. Ông này vốn là Lý trưởng của phường vạn, biết nghĩa quân đang tan rã và đang bị quân Pháp truy lùng bèn về báo quan và đưa lính lên vây bắt. Thủ lĩnh Đinh Văn Chất cùng 6 tướng sĩ bị chúng giết, chôn chung một hố. Nơi ấy có tên Ruộng Mồ. Riêng Cụ Nghè Đinh bị chúng chặt đầu, cắm cọc đưa về bêu tại chợ Lạt (xã Đồng Luân), để vừa răn đe, vừa mật phục bắt người đồng đội. Về sau, dân lập đền thờ nghĩa quân tại Trống, nơi chúng giết hại các thủ lĩnh và 5 nơi khác từng diễn ra những trận đánh ác liệt: 1 ở Đá Gân; 1 ở Cửa Rào; 1 ở Nho Dài; 1 ở Chố; 1 ở Yên, Môn Sơn. Tất cả 6 đền này đều bị hỏng, nay không còn di tích. May mắn làm sao nay vẫn uy nghi hai ngôi đền thờ Hai Bà Chúa:
Đền Bà Chúa Chè ở Trại Chè, (nay thuộc Xóm 1, Hạnh Lâm) có tên là Đền Bà Mén, thờ bà Chúa Kho, tức bà Đinh Thị Nguyệt, vị tướng đốc suất quân lương.
Việc cung ứng hậu cần thời đó cho hàng trăm binh sĩ vô cùng khó khăn gian khổ. Bà phải đi hàng tuần, hàng tháng xuống miền xuôi, lên miền núi vận động nhân dân giúp đỡ ủng hộ nghĩa quân gom từng cân gạo, cân ngô, từng mét vải, dầu, đèn, mắm, muối, súng ống, đạn dược, dao, kiếm. Việc đi lại không phải là trót lọt dễ dàng, lộ liễu mà phải dấu tên, dấu tuổi làm người đi buôn, đi bán lên miền trên, xuống miền dưới.
Ở Hạnh Lâm thời đó, từ bãi Ba Len cho đến thượng nguồn chưa có dân cư, mà chỉ là một vùng sông nước, rừng núi hoang vu. Con đường độc đạo cho việc vận chuyển quân nhu toàn dựa đường sông do thuyền chài làng vạn Nguyên Khiết đảm trách. Bà đã được bà con phường vạn Nguyên Khiết đùm bọc và giúp Bà hoàn thành chức phận nặng nề của mình. Đối lại, Bà rất thương dân, đã gặp nhiều trường hợp dân đói đứt bữa, Bà đã san sẻ phần lương thực khan hiếm của nghĩa quân để cấp cứu cho bà con. Cũng do công việc chạy gạo, mà khi quân Pháp vây lùng, Bà đang ở xa, thoát nạn. 35 năm sau, năm 1922, Bà qua đời. Năm 1924, dân làng Nguyên Khiết dựng đền thờ Bà ngày tại Trại Chè, nên có tên “Đền Bà Chúa Chè”, xóm 1, Hạnh Lâm bây giờ.
Thời điểm dựng Đền có dòng chữ khắc trên đầu đốc.
Nguyên văn: 甲子年造作 / 季冬月完成
Phiên âm: Giáp Tý niên tạo tác (A.74) / Quý Đông nguyệt hoàn thành (A.73)
Nghĩa là: Đền được tạo tác năm GiápTý, 1924; Tháng Chạp hoàn thành.
Theo Gia phả của họ Nguyễn Huy ở Cao Điền, Cố Đinh Thị Nguyệt, tên thường gọi là cố Mén.
Cố Nguyệt là cháu Tiến sĩ Đinh Nhật Thận ở Thanh Liêu, là vợ thứ của cố Nguyễn Đa, tên thường gọi là Nguyễn Huy Diệu thuộc dòng họ Nguyễn Huy ở La Sơn - Hà Tĩnh, sang định cư ở Cao Điền vào năm 1742. Cố Diệu tham gia phong trào Cần vương nên bị Pháp bắt giam, ở trong tù ông đã kết bạn thân thiết với người họ Đinh, ra tù thấy cố Diệu hiếm muộn con cái nên đã thuận gả cố Đinh Thị Nguyệt cho bạn.
Đền Bà Chúa Yên (nay ở xóm 2 xã Hạnh Lâm). Bà là vị lương y, chuyên về quân y. Lúc trước Đền Yên được dựng lên trên đất Yên, Môn Sơn (nay thuộc huyện Con Cuông) nơi vốn là Trạm quân y của nghĩa quân cũng là nơi bà hy sinh. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Yên cũng là tên của Bà, tiếc là cho tới nay chưa rõ họ và quê quán của Bà.
Chuyện kể rằng: Xưa, trên lưu vực thượng nguồn sông Giăng là chốn ma thiêng nước độc, là nơi trú ngụ của các loài hổ báo, vắng dấu chân người. Việc hương khói cho các đền thờ nghĩa binh do dân làng chài dựng lên ở thương nguồn gặp nhiều khó khăn, nhiều khi bị phế khoáng. Dân bàn nhau xin rước về xuôi cho tiện việc khói hương”. “Khi ở Yên chưa có đền thờ mà chỉ mới có Bàn thờ đặt bình hương thờ Bà. Nhân một trận lụt lớn, cuốn trôi cả Bàn thờ Bà, chiếc bình hương dạt vào xứ Cây Trám bên hữu ngạn, (nay là xóm 2, Hạnh Lâm)”, các bô lão bàn nhau lấy nơi đây dựng Đền Yên.
Trước Tam quan khắc đôi câu đối: 嵬嵬正氣尊天柱/ 赫赫威聲屹地靈
“Nguy nguy chính khí tôn thiên trụ/ Hác hách uy thanh ngật địa linh”.
Có nghĩa là: Nguy nga chính khí dâng lên trời xanh
Chói lọi uy thanh ngút chốn đất thiêng.
Về khuôn viên, thế đất và cảnh quan của Đền Yên thoáng rộng hơn nên được chọn là ngôi đền thờ phụng cả hai Bà.
Thượng điện đặt hai “Long ngai”, mỗi “Long ngai” thờ một vị, theo Thần hiệu:
“Hương Yên ngọc nữ nương công chúa tối linh tôn thần - Vị tiền”.
“Trà Lâm ngọc nữ nương công chúa tối linh tôn thần - Vị tiền”.
Trích từ: “Ký sự sông Giăng - Đài PTTH NA - Xuân Qúy Tỵ (2013).
Từ cầu Thanh Đức, bắc qua sông Giăng, trên đường Hồ Chí Minh, về phía thượng lưu, khoảng 300 - 500m, là ngôi đền thờ Hai Bà Chúa, chứng tích của cụm Di tích thời Cần vương, một thời oanh liệt, trên mảnh đất Hạnh Lâm lịch sử. Giá như nơi đây có thêm ngôi miếu lộ thiên thờ vọng anh linh Đinh Tướng công Thủ lĩnh và các liệt sĩ Cần vương đã hy sinh; Và trong Văn bia có đề cập đến “Cụm Di tích” này thì phải đạo lắm. Ấy là điều kiện cần và đủ để gìn giữ hồn cốt thiêng liêng của một Di tích Lịch sử./.