Đêm nay, siêu trăng “cá tầm” tỏa sáng khắp trời Việt Nam: Làm sao ngắm?
Đêm nay (12/8), siêu trăng cuối cùng trong năm 2022 cùng trận mưa sao băng Perseids tuôn ra từ chòm sao Anh Tiên sẽ cùng tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời. Ở Việt Nam, làm sao để ngắm trọn vẹn hiện tượng thiên văn cực kỳ thú này?
Trăng tròn tháng 8 dương hay siêu trăng "cá tầm" là hiện tượng siêu trăng cuối cùng của năm 2022. Hiện tượng thiên văn độc đáo này đang đem đến một khung cảnh đẹp mãn nhãn trên bầu trời ở nhiều quốc gia. Ảnh: Siêu trăng "cá tầm" xuất hiện trên bầu trời tại tòa tháp The Shard ở London, Anh. Ảnh: AP.
Theo tính toán của NASA, Mặt Trăng sẽ tiến tới điểm rất gần Trái đất trên quỹ đạo hình elip của nó, chỉ còn cách 363.300 km vào thời điểm cực đại. Siêu trăng có thể lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với trăng rằm bình thường. Ảnh: Mặt trăng tỏa sáng bên trên các tòa nhà chọc trời ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AP.
Sở dĩ, dịp trăng tròn tháng 8 được gọi là siêu trăng "cá tầm" bởi tại thời điểm này trong năm, ngư dân sẽ dễ dàng bắt được loài cá này tại Ngũ Đại Hồ và những hồ lớn khác. Ngoài tên gọi siêu trăng "cá tầm", người ta còn gọi trăng tròn tháng 8 là Trăng Ngô Xanh (Green Corn Moon) và Trăng Hạt (Grain Moon). Ảnh: Mặt trăng trồi lên từ mặt biển vùng Dorset, Anh. Ảnh: Alamy.
Thời điểm tốt nhất để quan sát siêu trăng "cá tầm" là buổi hoàng hôn, khi các điều kiện quang học hợp lại tạo thành hiện tượng "ảo ảnh Mặt Trăng", khiến Mặt trăng sẽ to hơn thực tế khi vừa mọc trên bầu trời vào buổi chớm tối. Ảnh: Siêu trăng tỏa sáng bên trên ngọn hải đăng Dovercourt Lower, Essex, Anh. Ảnh: Shutterstock.
Tuyệt vời hơn khi siêu trăng "cá tầm" đêm nay cũng trùng hợp với thời điểm cực đại của mưa sao băng Perseids, một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất năm mà theo Time and Date số sao băng có thể lên tới 100 ngôi sao băng/giờ. Ảnh: MAURICIO SALAZAR.
Theo thông tin của Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), đây sẽ là trận mưa sao băng lớn nhất hằng năm. Các sao băng của nó là những mảnh vụn còn sót lại khi sao chổi 109P/Swift-Tuttle tiến về phía Mặt Trời. Ảnh: SKY & TELESCOPE.
Tuy nhiên, trong đêm siêu trăng đặc biệt này, Mặt Trăng sẽ có hành vi "đánh cắp" mưa sao băng, nói cách khác, các ngôi sao băng sẽ bị vầng sáng trăng "nuốt chửng" do ánh sáng của Mặt trăng sẽ lấn át các ngôi sao băng. Do vậy, mưa sao băng có thể sẽ bị mờ nhạt hơn. Ảnh: Siêu trăng tỏa sáng tại đền thờ Camlica ở Instabul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, người yêu thiên văn có thể quan sát hai hiện tượng kỳ thú này nếu thời tiết thuận lợi, điều kiện quan sát tốt. Ảnh: Siêu trăng tuyệt đẹp tại Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Anadolu.
Trong đó, thời gian lý tưởng nhất để ngắm mưa sao băng là vào các ngày 12-14/8, riêng rạng sáng ngày 13/8 sẽ là lúc cực điểm nhất. Người yêu thiên văn có thể lựa chọn thời điểm 2 giờ sáng ngày 13/8 để quan sát mưa sao băng, khi mà Mặt Trăng đã lặn, còn chòm sao Perseus đã lên đủ cao./.