Dự án nâng cấp quốc lộ 7 đoạn qua Nghệ An, với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, được kỳ vọng cải thiện hạ tầng giao thông, nâng cao an toàn và giảm ùn tắc trên tuyến đường huyết mạch.
03 gói thầu xây lắp của dự án lần lượt khởi công vào quý 3/2022, mục tiêu hoàn thành vào tháng 12/2023. Dù đã được gia hạn tiến độ đến tháng 11/2024 nhưng dự án này vẫn chưa thể về đích.
Mới đây, ngày 29/11/2024, Ban QLDA 4 đã trình Cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT đề xuất gia hạn thời gian hoàn thành dự án sang năm 2025, với các gói thầu sẽ lần lượt hoàn thành từ tháng 4 đến tháng 7/2025.
Dự án này được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt vào tháng 3/2022, kéo dài 27,5 km qua các huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương của tỉnh Nghệ An, gồm 03 gói thầu xây lắp. Tiến độ thi công các gói thầu này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) là lý do chủ yếu.
Tính đến tháng 11/2024, vẫn còn hơn 1,48 km tuyến đường chưa được bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng đến 106 thửa đất, chiếm 2,68% tổng chiều dài dự án. Các vấn đề phổ biến bao gồm tranh chấp đất đai, không đồng tình với phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư và việc xây dựng trái phép trên hành lang đường bộ.
Huyện Diễn Châu là khu vực có nhiều khó khăn nhất với 32 đoạn tuyến chưa bàn giao, ảnh hưởng đến 57 thửa đất. Huyện Yên Thành cũng có 48 thửa đất thuộc 17 đoạn tuyến chưa được giải phóng. Đặc biệt, huyện Diễn Châu còn có 15 hộ dân phải tái định cư, trong khi các khu tái định cư chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động và tổ chức đối thoại, nhưng nhiều hộ dân vẫn không đồng thuận, khiến dự án chậm trễ kéo dài.
\
Việc dự án bị đình trệ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Không chỉ lãng phí nguồn vốn đầu tư công, việc chậm tiến độ còn làm gia tăng chi phí, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên các đoạn thi công dang dở. Người dân và phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ 7 hiện phải đối mặt với điều kiện giao thông không đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và kinh doanh.
Chính quyền tỉnh Nghệ An, Ban Quản lý Dự án 4 và các cơ quan liên quan đã tích cực phối hợp, đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có phương án bảo vệ thi công cho những hộ dân không hợp tác. Địa phương cũng đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, hồ sơ GPMB và xây dựng khu tái định cư.
Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu các địa phương như Diễn Châu, Yên Thành đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức đối thoại và vận động người dân hợp tác. Các hộ dân không chấp hành quy định về GPMB sẽ phải đối mặt với biện pháp cưỡng chế để bảo vệ thi công, tránh kéo dài thêm thời gian hoàn thành dự án.