Nếu được thông qua, đây sẽ là thương vụ mua bán vũ khí lớn nhất trong lịch sử đồng minh giữa Mỹ - Philippines, đánh dấu bước tiến triển trong quan hệ quốc phòng song phương, góp phần nâng cao năng lực phòng vệ của Manila trước một Trung Quốc ngày càng bành trướng.
Thương vụ mua bán lịch sử
Theo báo Asia Times, trong đề xuất thỏa thuận mua bán vũ khí được Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua cách đây vài ngày, Lầu Năm Góc dự tính sẽ bán cho Philippines 10 máy bay F-16 Block 70/72 và 2 máy bay F-16D Block 70/72 do Công ty Lockheed Martin sản xuất, kèm chương trình huấn luyện dài hạn và hỗ trợ bảo trì máy bay.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao nước này cũng phê duyệt đề xuất bán 12 tên lửa chống hạm phóng từ máy bay AGM-84L-1 Harpoon trị giá 42,4 triệu USD và 24 tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X Block II, trị giá 120 triệu USD cho Philippines.
Với tổng giá trị trên 2,5 tỷ USD, đây sẽ là thương vụ mua bán vũ khí lớn nhất trong lịch sử hai nước đồng minh Mỹ - Philippines. Đặc biệt, thỏa thuận được công bố đúng thời điểm chỉ vài tuần sau khi Philippines quyết định tạm hoãn đình chỉ Thỏa thuận Lực lượng viếng thăm (VFA) cho đến cuối năm nay.
Nếu hai bên chính thức “bắt tay nhau” trong vài tháng tới, thỏa thuận mua bán này sẽ là yếu tố quan trọng xác định mức độ quan hệ song phương giữa hai nước dưới thời tân Tổng thống Philippines, người dự kiến sẽ nắm quyền từ tháng 6/2022.
Trong nhiều năm qua, không ít lãnh đạo Philippines, đặc biệt là Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte tỏ thái độ bực tức vì Mỹ thường xuyên đẩy những vũ khí cũ từ thời Chiến tranh Việt Nam cho đồng minh thế kỷ.
Đến mức, đầu năm nay, ông Duterte dọa sẽ hủy VFA nếu Mỹ không cung cấp hỗ trợ quốc phòng trị giá 16 tỷ USD với những loại vũ khí tối tân mà Mỹ đã và đang đưa tới các quốc gia khác như Pakistan, Ai Cập và Israel trong 1 thập kỷ qua.
Trong khi đó, nhiều đời chính quyền Mỹ cũng như Lầu Năm Góc lại lảng tránh những đề xuất mua trang thiết bị hiện đại của Philippines vì quan ngại về năng lực bảo trì của Philippines với những loại vũ khí mới.
Tình trạng tham nhũng, chi tiêu quốc phòng hạn chế cũng là nguyên nhân làm tê liệt những nỗ lực tăng cường mua sắm quốc phòng trong nhiều đời Tổng thống Philippines khác.
Một yếu tố nữa cản trở năng lực của Philippines là những cuộc nổi loạn ở những khu vực ngoại thành nghèo khó kéo dài suốt nửa thế kỷ qua. Thực trạng này đã rút cạn những nguồn lực cần thiết của các lực lượng hải quân và không quân Philippines dành cho hoạt động phòng vệ bên ngoài.
Tăng cường năng lực đề phòng Trung Quốc
Theo Asia Times, thỏa thuận mua bán vũ khí Mỹ thành công cũng sẽ tạo cơ hội lớn để Philippines tăng cường năng lực phòng vệ tối thiểu khi quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán hơn bao giờ hết trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nhấn mạnh, Philippines rất cần các tiêm kích đa nhiệm đặc biệt khi tình hình trên Biển Đông, một trong những tuyến đường biển vận tải bận rộn nhất thế giới, ngày càng xấu đi.
Nhất là trong bối cảnh khu vực đang gia tăng sức mạnh phòng thủ còn Trung Quốc đang triển khai chiến cơ tàng hình thế hệ thứ 5 do nước này tự sản xuất.
Trong bài phát biểu tại Căn cứ không quân Basa nằm ngay sát Bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố có chủ quyền và đang tồn tại tranh chấp với Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khẳng định: “Chúng tôi đang thúc đẩy mua sắm vũ khí vì đây là yếu tố quan trọng để bảo vệ không phận trước mọi mối đe dọa và thực thi Khu vực Nhận diện Phòng không Philippines”.
“Với máy bay chiến đấu đa nhiệm, chúng tôi có thể khai thác nhiều mặt của sức mạnh phòng không”, vẫn theo ông Lorenzana.
Khi cân nhắc các lựa chọn, Philippines nhận thấy tiêm kích F-16 của Mỹ là rất phù hợp nhưng vì quá đắt đỏ nên Manila phải cân nhắc tới nhiều lựa chọn khác như dòng Saab JAS 39C/D Gripen do Thụy Điển sản xuất, có giá rẻ hơn nhiều.
Theo Asia Times, dù nền kinh tế Philippines bị ảnh hưởng không nhỏ vì đại dịch Covid-19, đất nước Đông Nam Á này vẫn duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức cao trong lịch sử. Do đó, theo Asia Times, trước tình hình Biển Đông hiện nay, các quan chức quốc phòng hàng đầu Philippines có thể sẽ tìm kiếm thỏa thuận tốt hơn với các đối tác Mỹ, đặt nền móng để thúc đẩy quan hệ song phương dưới thời tân lãnh đạo nước này trong tương lai.
Hiện tại, đề xuất mua sắm vũ khí trị giá hàng tỷ USD giữa Philippines và Mỹ vẫn đang trong quá trình đàm phán và còn phải chờ Quốc hội Mỹ thông qua.