Thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, sáng 27.5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị áp dụng hình thức xử phạt "thiến hóa học" với loại tội phạm này.

Đại biểu Phương cho biết, qua tiếp xúc với cử tri, nhiều người đã nhắc đến vấn đề xâm hại trẻ em. Ai cũng rùng mình, bức xúc, căm phẫn, ám ảnh và mong muốn sớm phát hiện, bắt, truy tố và xử lý nghiêm khắc với đối tượng xâm hại trẻ em.

"Chúng ta không ngờ được các đối tượng xâm hại trẻ em phần lớn lại là người thân quen, thậm chí là bố mẹ ruột với những thủ đoạn dã man, lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ em để phạm tội, có tội phạm lặp đi lặp lại nhiều lần là ông nội, cha ruột xâm hại bé gái, dọa sẽ giết cháu, nếu dám nói sự thật”, đại biểu tỉnh Quảng Bình nói và khẳng định việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em là rất cần thiết.

Theo đại biểu Phương, qua giám sát đã làm rõ thực trạng vi phạm và thực tiễn xử lý, xem xét sửa đổi, điều chỉnh văn bản pháp luật để xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, như việc nhiều quy định về tội ấu dâm chưa rõ ràng, chưa có phòng xử án thân thiện, chưa có cơ chế điều tra phù hợp với đối tượng trẻ em, chưa có sự đồng thuận của chính gia đình nạn nhân…

Từ phân tích nêu trên, đại biểu Quảng Bình đề nghị, Chính phủ Chính phủ và các cơ quan liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền và tăng cường hiệu lực của pháp luật trong thực tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiên cứu để trình Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em.

Cụ thể, ông Phương đề nghị mở rộng hình thức phạt như thiến hóa học, nâng mức xử phạt hành chính lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe các đối tượng xâm hại, chống xu hướng tái phạm cao, đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Theo đại biểu tỉnh Quảng Bình, hình thức thiến hóa học đã được thực hiện ở các nước. “Tôi cho rằng nếu trong pháp luật mình đưa hình thức xử phạt này vào thì ít nhất là phải giảm 50% vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong tương lai”, ông Phương nói.

Liên quan tới tăng mức xử phạt và hình phạt, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tội phạm xâm hại trẻ em gia tăng là do hình thức, mức xử phạt còn nhẹ, chưa tương thích với hành vi phạm tội và hậu quả tổn thất nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em. Từ đó, đại biểu Tuấn đề nghị xem xét, nghiên cứu chế tài xử phạt người vi phạm theo hướng tăng nặng và phạt nặng.

Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội cho thấy, đến ngày 30.6.2019, cả nước có hơn 24,7 triệu trẻ em, chiếm 25,75% dân số. Qua giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn rất lớn. Từ ngày 1.1.2015 đến ngày 30.6.2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ bị xâm hại.

Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại. Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước.

Trong các hình thức xâm hại trẻ em, nổi lên và gây bức xúc nhất là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Cá biệt, có địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại.