Anh N.T. (ngụ TP. Hà Nội) chia sẻ: “Tôi ít khi mua vé số kiến thiết, thỉnh thoảng có mua nhưng chỉ dò kết quả qua trang web. Cách đây mấy hôm, tôi vào miền Tây công tác và vô tình xem qua một chương trình trực tiếp quay thưởng xổ số (XS) và khá bất ngờ trước hình ảnh các em học sinh tuổi chừng 13 - 15 đứng quay số”.

a11-7156-1656896738.jpg
Một công ty XSKT ở miền Tây sử dụng học sinh quay số

Theo anh T., việc sử dụng trẻ em, thiếu nhi vào chương trình XS là không nên vì bản chất việc này là để các em tiếp cận vào những trò may rủi.

Tương tự, bà L.K.V. (một cán bộ hưu trí ở tỉnh Sóc Trăng) thắc mắc, các chương trình XS hiện nay được tường thuật trực tiếp, có hội đồng giám sát chặt chẽ… Vì sao lại chọn các em học sinh và việc sử dụng các em tham gia chương trình này có đúng quy định hay không?

“Tôi nhớ cách đây 1 năm, Công ty XSKT Hậu Giang có nhầm lẫn kết quả và đây là lỗi của các em thiếu nhi. Trái banh được quay ra từ lồng cầu là số 6 nhưng em ấy cầm bảng số 7. Từ đó phát thanh viên của đài truyền hình đọc sai theo”, bà V. bức xúc.

Mỗi nơi một kiểu

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Công ty TNHH MTV XSKT Đồng Tháp cho biết, hiện nay đơn vị vẫn áp dụng hình thức quay thủ công, tức là có em thiếu nhi đứng ra quay các lồng cầu. Một số địa phương khác như: Vĩnh Long, An Giang… cũng áp dụng hình thức này.

“Trước đây, chúng tôi có xin chủ trương của UBND tỉnh cho phép áp dụng quay số tự động nhưng lãnh đạo có ý kiến rằng xổ số truyền thống thì nên làm theo cách truyền thống”, vị này thông tin.

Trong khi đó tại Sóc Trăng, lãnh đạo Công ty TNHH MTV XSKT ở tỉnh này cho hay: “Từ khi Hậu Giang xảy ra sự cố, nhiều cơ quan truyền thông phản ánh thì chúng tôi đã áp dụng công nghệ quay tự động, không còn sử dụng các em thiếu nhi quay số nữa”.

Đại diện Công ty XSKT Cần Thơ cho biết, ban đầu công ty có ý định làm văn bản để xin ý kiến của Hội đồng giám sát về việc thiếu nhi quay số. Tuy nhiên, trong Hội đồng giám sát cũng có đại diện Sở Tư pháp và họ cũng tư vấn vấn đề này không vi phạm luật lao động.

“Thật ra không phải chúng tôi kí hợp đồng lao động, mà là những em này do nhà trường cử đi, có sự đồng ý của gia đình, có giấy uỷ quyền của gia đình”, đại diện XSKT Cần Thơ chia sẻ.

Theo đó, đội thiếu nhi quay số tại XSKT Cần Thơ tổng cộng là 9 em học sinh lớp 8. Các em này được nhà trường lựa chọn và giới thiệu cho Công ty XSKT phải đáp ứng các tiêu chí như: Có học lực giỏi, hạnh kiểm tốt; đồng thời, đảm bảo rằng việc các em tham gia XS không ảnh hưởng đến việc học và phải có giấy đồng ý của gia đình. Ngoài ra, nhân thân, lí lịch các em học sinh này còn được lực lượng công an xác minh rõ ràng trước khi cho các em tham gia quay số.

Sau mỗi lượt quay số, phía Công ty XSKT sẽ có phần thù lao cho các em học sinh theo quy chế chi tiêu nội bộ. Bên cạnh đó, các em và nhà trường còn được tài trợ nhiều phần học bổng.

Luật sư Nguyễn Trần Duy Thăng - Đoàn luật sự TP. Cần Thơ nêu quan điểm, việc các công ty XSKT sử dụng trẻ em dưới 18 tuổi để tham gia quay số trúng thưởng là chưa phù hợp với quy định pháp luật về lao động.

Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 1, điều 143 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 thì lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi. Riêng đối với người lao động chưa đủ 15 tuổi khi sử dụng làm việc, người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 145 BLLĐ 2019.

Cụ thể, người sử dụng lao động phải giao kết HĐLĐ bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó. Phải bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập, phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 6 tháng. Phải bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.

Bên cạnh đó, người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ nằm trong danh mục công việc nhẹ theo quy định tại Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH bao gồm: Biểu diễn nghệ thuật, vận động viên thể thao, lập trình phần mềm, các nghề truyền thống, các nghề thủ công mỹ nghệ v.v…

Luật sư Nguyễn Trần Duy Thăng nhận định: Việc sử dụng trẻ em tham gia quay số trúng thưởng, không những không phù hợp với quy định pháp luật mà có thể phát sinh những vấn đề tiêu cực, ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ em. Bởi lẽ, quay xổ số trúng thưởng vẫn là trò ăn - thua và liên quan đến ăn thua, may rủi, mà để các em sớm tiếp xúc với công việc này là không hợp lý./.