Năm 2023 đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện, giáo dục và đào tạo. Bên cạnh việc đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có giáo dục đại học, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, cũng còn những trăn trở.

Để trường đại học tự lo tài chính là không đúng bản chất tự chủ

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, thời gian qua, sự thay đổi cơ chế đối với giáo dục đại học rất căn bản. Đặc biệt, việc đưa tự chủ vào luật đã tăng thêm vai trò, bản chất của trường đại học là nơi sáng tạo.

78-1707787863.jpg
Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Hiệu trưởng Trường DDH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Mai Loan.

Cho phép các trường đại học được tự chủ, mà quan trọng nhất là tự chủ về mặt học thuật, giúp các trường có thể tự do đưa ra chương trình đào tạo không bị khuôn mẫu. Điều đó đã đáp ứng kịp thời sự thay đổi rất thường xuyên về khoa học, công nghệ, thị trường và nhu cầu phát triển của nguồn nhân lực.

“Đây là đổi mới, tháo gỡ rất lớn, mở đường cho sự phát triển của các trường đại học. Các trường cũng tự do liên kết, tiếp nhận chương trình của thế giới, thành tựu mới nhất của đào tạo. Chính điều đó mở ra những hướng nhìn, cách tiếp cận mới trong giáo dục đào tạo”, ông Cường đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Cường cho rằng, vẫn còn những vấn đề phải xem xét. Cơ chế vẫn còn những điểm chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là cơ chế tài chính.

Hiện nay, việc tự chủ đang rơi vào trạng thái để cho các trường tự phải lo liệu. Điều này không đúng với bản chất của tự chủ. Trên thế giới, các cơ sở giáo dục đại học luôn có quyền trong việc tạo ra nguồn thu, từ thu học phí, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ… Họ luôn có nguồn rất lớn từ đầu tư của xã hội thông qua các nguồn tài trợ, đặc biệt là đầu tư của ngân sách.

“Chúng ta nếu làm tốt việc huy động từ các nguồn lực này, sẽ giúp cho các trường đại học có điều kiện phát triển tốt hơn. Đặc biệt, nguồn đầu tư từ ngân sách cho lĩnh vực đại học sẽ định hướng các trường theo đúng mục tiêu mà Nhà nước mong muốn, cần điều chỉnh, điều tiết”, ông Cường nói.

Hai đòn bẩy cho đổi mới

Theo nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thời gian tới, giáo dục đại học cần có đổi mới ở cả hai góc độ. Thứ nhất, các trường phải tiếp tục phát huy hơn nữa quyền hiện nay mà luật đang cho phép, đó là tự chủ trong đào tạo, chuyên môn, học thuật.

Theo đó, trường đại học phải rất năng động trong đổi mới chương trình, nội dung, phương thức đào tạo; gắn đào tạo với nhu cầu thực tế, gắn cơ sở đào tạo với những nơi sử dụng nguồn nhân lực. Thậm chí, chúng ta phải có một thể chế để thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức tham gia quá trình đào tạo này.

Bởi lẽ, đào tạo cuối cùng cũng để cung cấp nguồn nhân lực cho các đơn vị sử dụng lao động. Như vậy, nhu cầu sử dụng lao động ra sao cần có sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp, giúp các trường đại học thay đổi, tái cấu trúc lại, làm sao vừa theo hướng tiếp cận với xu thế mới của thế giới, đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của người sử dụng.
Đổi mới thứ hai là cần thay đổi về cơ chế đầu tư cho người học, hướng tới hai yếu tố. Đầu tiên là đầu tư trong hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật. Chúng ta có nguồn đầu tư cơ sở vật chất tốt cho các trường đại học sẽ giúp giảm gánh nặng lên nghĩa vụ đóng góp của người học.

“Như vậy, tính chất xã hội hóa trong giáo dục không quá nặng, người học không phải bỏ tiền ra đầu tư vào cơ sở vật chất, học phí đại học sẽ giảm đi”, ông Cường nêu quan điểm.

Yếu tố thứ hai là phải chuyển ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học nói chung của quốc gia tập trung vào các trường đại học nhiều hơn. Bởi trên thế giới, trường đại học đều là cái “rốn”, tập trung nhiều nhất những nghiên cứu khoa học, tạo ra những đổi mới, tri thức mới.

Ngân sách nghiên cứu khoa học quốc gia cần rót cho các trường đại học theo phương thức đặt hàng dài hạn. Mỗi trường được đặt hàng cho lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của trường đó. Các cơ sở nghiên cứu sẽ tập trung theo mạch của vấn đề liên tục qua nhiều năm, mới tạo ra sản phẩm trí tuệ, khoa học mới.

Tránh tình trạng hiện nay, ngân sách khoa học không được đầu tư liên tục mà theo tính chất hợp đồng, năm nay hết, sang năm không còn tiếp nối nữa. Như vậy, những nghiên cứu dở dang.

Từ đó, ông Cường cho rằng, nếu thay đổi được phương thức đầu tư về mặt khoa học, sẽ thực sự nâng cao được vai trò của trường đại học trong việc tạo lập các tri thức mới. Đồng thời, nó cũng giúp thay đổi được chất lượng đào tạo, học thuật của các trường.

Đề nghị tiếp tục cải cách hệ thống Sư phạm

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, đề nghị tiếp tục cải cách hệ thống Sư phạm với việc hình thành mạng lưới các trường và khoa Sư phạm. Xây dựng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP HCM thực sự là trường trọng điểm theo chủ trương đã định từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI.

Hai trường này phải xứng đáng với vị trí hàng đầu của toàn hệ thống Sư phạm, giữ vai trò định hướng và hỗ trợ tích cực về mọi mặt cho các cơ sở đào tạo giáo viên trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng nội dung, phương pháp giảng dạy, tổ chức nghiên cứu khoa học. Các trường đại học sư phạm trọng điểm hướng tới chủ yếu là đào tạo sau đại học và trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, nhất là khoa học giáo dục.

Ông Vỳ cũng đề nghị, Bộ GD&ĐT chuẩn bị định hướng chiến lược phát triển GD&ĐT trên cơ sở những thành tựu và hạn chế của giáo dục sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Bộ cũng nên đề nghị Trung ương ban hành Kết luận của Ban Bí thư hay của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, trong đó có phần định hướng và giải pháp phát triển giáo dục cho 5 đến 10 năm tiếp theo.