Thảo luận đóng góp ý kiến cho dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), sáng 15/11, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, ông rất đồng tình với sửa đổi ở Điều 41, đã quy định trong trường hợp cần thiết thì có thể đưa xuất xứ hàng hóa từ một số quốc gia hoặc một số vùng lãnh thổ để đảm bảo chúng ta mua được hàng hóa có chất lượng cao.
Điều này tránh tình trạng cứ đưa tiêu chí kỹ thuật chung chung, dẫn đến có thể hàng của các nước trong khu vực cùng tiêu chí kỹ thuật, giá thì rẻ nhưng chất lượng không tốt. Nếu làm tốt, sẽ khắc phục tình trạng ngành y tế không mua được thuốc tốt mà lại mua những thuốc giá rẻ.
Nói về hạn chế lớn nhất trong đấu thầu thời gian qua, đại biểu thành phố Hà Nội cho biết, là do cài cắm trong hồ sơ mời thầu, dẫn tới số lượng người tham gia dự thầu rất ít
“Kể cả đấu thầu trên mạng cũng chỉ bình quân hơn một hồ sơ, điều đó chứng tỏ tính cạnh tranh không cao. Nguyên nhân chính ở đây, có thể do thông tin đã được cài cắm trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế những nhà thầu tham gia”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Điều đáng nói, để hạn chế việc cài cắm thông tin, luật hiện hành cũng như luật dự thảo, theo ông Cường, chỉ có một điều duy nhất nói rằng là "cấm không được cài cắm thông tin để hạn chế nhà thầu" còn cài cắm như thế nào thì cũng không nói.
Để tránh cài cắm thông tin, cần phải quy định rất rõ trong hồ sơ mời thầu thế nào là không cài cắm thông tin. Và trong Luật Đấu thầu dành một chương quy định thật chi tiết những nội dung của hồ sơ mời thầu.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đấu thầu mua sắm là công việc hết sức phức tạp, tính chuyên môn rất sâu, không phải ai cũng hiểu được kỹ thuật đấu thầu thế nào, hàng hóa ra làm sao, thị trường trong nước, thế giới... Do vậy, đấu thầu cần phải có những người rất chuyên nghiệp.
“Trong quy định của dự thảo luật, chỉ có 1 điều duy nhất nói về tổ chuyên gia về đấu thầu, không nói rõ tổ chuyên gia này tiêu chuẩn ra làm sao mà chỉ nói tổ chuyên gia trách nhiệm làm gì. Do vậy, tôi đề nghị trong Luật Đấu thầu cần phải quy định có tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp. Luật cũ thì có nhưng luật mới chúng ta lại bỏ đi”, đại biểu Cường nói.
Tổ chức này, theo ông Cường có thể thay thế cho những đơn vị không quen trong đấu thầu. Nếu làm được, sẽ tránh được tình trạng trong thời gian vừa qua, rất nhiều đơn vị như y tế, như giáo dục không mua sắm được hàng hóa bởi không quen đấu thầu, thậm chí nếu không quen như thế mà đấu thầu có khi làm sai, là vi phạm. Cho nên, cần có tổ chức này, giống như chúng ta đã quy định tổ chức định giá chuyên nghiệp ở trong Luật Giá.
Về vấn đề thẩm định, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, hiện quy định là có một đơn vị lập hồ sơ xong lại có một đơn vị thẩm định, có đơn vị chấm hồ sơ xong lại có đơn vị thẩm định.
Việc quy định này có vẻ khách quan, nhưng trên thực tế sẽ dẫn đến tình trạng không biết trách nhiệm thuộc về ai, nếu như hồ sơ đấy không chuẩn hoặc đấu thầu không đạt kết quả.
“Chính vì vậy, tôi cho rằng, hoặc là chúng ta phải quy định rất rõ cơ quan thẩm định. Nếu đã có thì phải là cơ quan chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đấu thầu sai. Còn nếu không quy định được như thế thì nên bỏ cơ quan thẩm định và cơ quan đứng ra lập hồ sơ tổ chức đấu thầu phải chịu trách nhiệm đến cùng”, đại biểu Cường nêu ý kiến./.