Việc tận dụng điều kiện tự nhiên tại địa phương như sông suối, huy động nguồn lực xây dựng bể bơi di động đã đem lại hiệu quả tích cực.
Rèn kỹ năng cho trẻ vùng cao
Đầu hè, Trường Tiểu học Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An tổ chức chương trình truyền thông phòng tránh tai nạn, đuối nước đến trẻ, phụ huynh và người dân trong xã. Điều đặc biệt, chương trình truyền thông không diễn ra tại trường học hay nhà văn hóa, mà được đưa ra khu vực bờ sông, suối gần từng điểm bản.
Cô Lê Hồng Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng cho biết: “Trẻ mầm non nhận thức còn chưa đầy đủ, nhanh tiếp thu nhưng cũng nhanh quên. Ở giai đoạn 3 – 5 tuổi, nhiều khái niệm, kiến thức trẻ chưa hiểu được qua giải thích bằng lời, mà phải có trực quan sinh động để biết và bắt chước, làm theo. Vì vậy, chương trình truyền thông phòng tránh tai nạn, đuối nước được nhà trường tổ chức ngay tại bờ sông, suối để mang tính thực tế cao, giáo dục trẻ cũng như tuyên truyền đến phụ huynh, người dân”.
Buổi truyền thông đầu tiên được tổ chức tại khu vực bờ sông giữa 2 bản Na Bè và Hợp Thành. Để bảo đảm an toàn cũng như hiệu quả chương trình, nhà trường phối hợp với trạm y tế, công an và đại diện chính quyền địa phương xã Xá Lượng. Tại đây, bậc phụ huynh và học sinh được tiếp thu kiến thức, kỹ năng thực hành về các nội dung: Cứu hộ kịp thời khi nạn nhân đuối nước; sơ cứu nạn nhân đuối nước bằng phương pháp hô hấp nhân tạo, ép tim lồng ngực; kỹ thuật bơi cơ bản dành cho trẻ em.
Theo lãnh đạo nhà trường, Xá Lượng là xã miền núi cao, với nhiều bản làng nằm rải rác dọc sông Nậm Nơn và các nhánh suối nhỏ. Năm học này, trường có 333 trẻ, học tập ở 5 điểm bản. Đây cũng là địa bàn có khí hậu khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng đỉnh điểm. Tình trạng trẻ em vào dịp hè tự ý ra sông suối chơi, tắm mát mà không có sự giám sát của người lớn diễn ra thường xuyên, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Trước thực tế này, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phòng tránh tai nạn, thương tích đuối nước với nhiều giải pháp. Cụ thể, tăng cường truyên truyền đến trẻ, phụ huynh, nhân dân. Tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống đuối nước cho giáo viên và cán bộ y tế. Phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát, phát hiện các điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước và cảnh báo kịp thời. Tổ chức ký cam kết, xây dựng mô hình “Trường học an toàn” cho trẻ.
Đưa vào chương trình chính khóa
Từ năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Việt Anh (TP Vinh, Nghệ An) đưa bơi lội vào trong lịch học chính khóa của bộ môn Thể dục. Nhà trường sắp xếp thời gian học bơi vào buổi chiều và thông báo với phụ huynh để chuẩn bị đồ cho con. Em Nguyễn Đặng Hoàng Gia (lớp 1) học buổi đầu tiên nhưng hào hứng khoe “nhịn thở được 14 giây và biết nổi, đạp nước”. Tuy nhiên, nhiều bạn khác vẫn tỏ ra sợ nước và cần hỗ trợ tích cực từ giáo viên.
Thầy Nguyễn Văn Thắng – giáo viên bộ môn Thể dục cho biết: “Dạy bơi cho học sinh tiểu học vừa khó vừa dễ. Khó là các em chưa có ý thức và tư duy để tuân thủ hướng dẫn của thầy giáo. Vì vậy, tôi phải có giáo án riêng, dạy bài bản từ tập nín thở trên không, tập nín thở dưới nước sau đó mới đi vào các động tác cụ thể. Nhưng khi trẻ đã vượt qua được nỗi sợ nước thì lại biết bơi rất nhanh”.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang – chủ nhiệm lớp 1 nói thêm: “Các em háo hức và chờ đợi được ra bể bơi cùng với thầy cô. Dù chỉ gần 20 cháu, nhưng tôi phải quan sát thường xuyên. Bạn nào sợ, không dám xuống nước, cô động viên, hỗ trợ để các em tự tin hơn”. Theo cô Nguyễn Thị Hải Vân – Phó Hiệu trưởng, Trường Tiểu học Việt - Anh lịch dạy bơi bắt đầu từ tháng 4 hoặc tháng 5 khi thời tiết hết lạnh, với 2 tiết/tuần. Nếu duy trì đều đặn thì sau 2 tháng các em đã có thể bơi thành thạo. Ngoài dạy bơi, nhà trường chú trọng đến hướng dẫn các em các kỹ năng sinh tồn để bảo vệ bản thân và tăng cường sức khỏe.
Trường THPT Nghi Lộc 2 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng đưa vào vận hành bể bơi di động trị giá 600 triệu đồng từ hơn 1 tháng nay. Từ ngày bể bơi hoạt động đã thu hút đông học sinh của trường và trẻ em lân cận vào tập bơi, vui chơi. Nhà trường cử giáo viên giám sát, khống chế số lượng mỗi ca học để đảm bảo an toàn. Ý tưởng xây dựng bể bơi được thầy Nguyễn Văn Phương – Hiệu trưởng nhà trường khởi xướng, với mong muốn “tăng cường tổ chức dạy bơi kết hợp dạy các kỹ năng an toàn khi bơi cho học sinh bằng các hình thức phù hợp. Tạo động lực thu hút học sinh tích cực tham gia phòng chống tai nạn đuối nước”.
“Cùng với thư ngỏ, tôi cho tiến hành xây dựng, với quyết tâm phải có bể bơi cho học sinh, kinh phí thiếu từng nào sẽ tìm cách huy động dần từng đó. Không ngờ, chủ trương của nhà trường được đông đảo cựu học sinh, người dân quan tâm, hưởng ứng. Chỉ sau 2 tháng kêu gọi, nhà trường đã đủ nguồn lực hoàn thành bể bơi. Mỗi khoản đóng góp nhiều hay ít, chúng tôi đều trân trọng, cam kết sử dụng hiệu quả và đúng mục đích”, thầy Nguyễn Văn Phương nói.
Cũng theo thầy Phương, với hơn 1.100 em, không thể tổ chức dạy học bơi cho toàn bộ. Vì thế, thời gian đầu, nhà trường cho học sinh tự tập luyện với nhau có giám sát của giáo viên. Sau 1 tháng tổ chức khảo sát để phân loại, những em chưa biết bơi sẽ tập hợp lại và chia lớp dạy cho đến khi thành thạo.
Mục tiêu năm học tới 100% học sinh biết bơi và được trang bị các kỹ năng phòng tránh đuối nước cơ bản. Trước mắt nhà trường sẽ hỗ trợ 20 triệu/tháng để vận hành bể, trả thêm tiền làm ngoài giờ cho giáo viên dạy bơi. Về lâu dài, Trường THPT Nghi Lộc 2 tính tới phương án tối ưu nhất để học sinh được học bơi thuận lợi với một số phí rất nhỏ. Số tiền thu được để bảo dưỡng bể bơi, thay nước và bổ sung vào quỹ khuyến học.