Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch đầu tư công trung hạn, giữ vững an toàn nợ công.

Sáng 24/7, Quốc hội tiếp tục họp bàn về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trình bày báo cáo thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, về tổng thể, vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần so với số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực.

Đầu tư công trung hạn phải bảo đảm không tạo áp lực trả nợ quá lớn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường

Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công; Việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực tế từ thực lực của nền kinh tế, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau; Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Một số ý kiến đề nghị giữ tổng mức vốn đầu tư công là 2,75 triệu tỷ đồng như đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Về việc phân bổ cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm khác, Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với dự kiến bố trí khoảng 104.533 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, đối với 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2): đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, số vốn 119.806 tỷ đồng dành cho các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển về bản chất là số vốn hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương. Như vậy, tổng số hỗ trợ cho các địa phương là quá cao, chưa phù quy định pháp luật.

“Đối với dự kiến hoàn thành 1.700 km tuyến đường ven biển trong 5 năm, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS và các ý kiến trong UBTVQH cho rằng khó khả thi vì các tuyến đường ven biển đi qua nhiều cửa sông, cửa biển, địa hình phức tạp, tính kết nối chưa rõ; khả năng bố trí NSNN hoàn thành toàn tuyến đường chưa có cơ sở, tuyến đường này đi qua những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, khó bảo đảm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình rõ nội dung này”, ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải bố trí theo thứ tự ưu tiên của pháp luật. Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là 4.979 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.

“Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án). Bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông – Tây”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay./.