Ngày 4/11, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn E. (63 tuổi, ngụ tại TPHCM). Ông được người nhà đưa tới bệnh viện sau khi lên cơn đau ngực đột ngột, kèm triệu chứng khó thở.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người bệnh ghi nhận, ông đã có tiền căn suy tim, hẹp động mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 và nhồi máu não cũ.
Sau khi chụp mạch vành và siêu âm trong lòng mạch, các bác sĩ chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim cấp, hẹp 70% động mạch vành… Người bệnh được bác sĩ tiến hành can thiệp bằng phương pháp đặt stent động mạch vành và điều trị nội khoa tích cực. Sau can thiệp, bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch, sức khỏe từng bước phục hồi.
GS.TS.BS Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, nguyên nhân gây bệnh động mạch vành chủ yếu là do xơ vữa động mạch. Những đối tượng càng nhiều yếu tố nguy cơ, khả năng mắc bệnh và gây tổn thương cho động mạch vành càng tăng lên theo cấp số nhân thay vì cấp số cộng.
Theo bác sĩ Bình, ở nam giới có xu hướng mắc động mạch vành cao hơn nữ, bên cạnh đó là các vấn đề về tuổi tác và tiền sử bệnh của người thân trong gia đình. Ở cả nam và nữ, nhóm yếu tố nguy cơ có thể tác động cần được cải thiện để giảm khả năng mắc bệnh bao gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thói quen hút thuốc lá, béo phì, thiếu vận động, uống nhiều rượu bia…
Trong các bệnh lý tim mạch, bệnh động mạch vành khá phổ biến và nguy hiểm, đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Trong số các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch, bệnh động mạch vành là một trong những nguyên nhân chiếm đến 85% tỷ lệ tử vong.
Cũng theo bác sĩ Bình, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra, người bệnh tim mạch nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng là đối tượng bệnh nền. Nhóm bệnh nhân này nếu nhiễm COVID-19 sẽ có nguy cơ trở nặng gấp 5 đến 10 lần so với người không có bệnh nền. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, người bệnh động mạch vành phải hết sức lưu ý thực hiện các biện pháp phòng dịch để đảm bảo sức khỏe.
Một số người mắc bệnh động mạch vành đang lo lắng về những tác dụng không mong muốn khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, theo GS Quang Bình : “Người bệnh động mạch vành không có bất kỳ chống chỉ định nào đối với việc tiêm ngừa. Do đó, ngoài các lưu ý về việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và xây dựng lối sống lành mạnh, người bệnh cần đảm bảo 5K và tham gia tiêm vắc xin đầy đủ theo yêu cầu để bảo vệ bản thân, tránh nguy cơ mắc COVID-19”./.