logo-anh-a8-1read-only-1650854351163676077777-1650854819.jpg
Cảnh sát giao thông bộ phận trả kết quả lấy biển số mới cho người dân sau khi đăng ký - Ảnh: MINH HÒA

Bao gồm: giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.

Dự thảo quy định, biển số được lựa chọn đấu giá là biển số trắng chữ đen, chưa được đăng ký, dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm. Không đưa ra đấu giá biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao...

Người được tham gia đấu giá là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; cơ quan tổ chức đấu giá là công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện...

Một trong những vấn đề được người dân quan tâm nhiều là liệu có được mua bán chuyển nhượng biển số?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Đỗ Thanh Bình, cục phó Cục Cảnh sát giao thông, cho biết trước đây trong đề án đưa ra 2 phương án: Thứ nhất là sẽ giữ nguyên theo luật hiện hành - người trúng đấu giá được phép sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi biển số. Thứ hai, cho phép người dân được mua bán, cho tặng, thừa kế, thế chấp biển số và thực hiện bằng cách đưa vào luật các quy định về các quyền cụ thể.

Tuy nhiên trong thời gian thực hiện thí điểm, cơ quan chức năng đề xuất thực hiện phương án sử dụng biển số trúng đấu giá, chưa cho mua bán, chuyển nhượng. Căn cứ để thực hiện theo phương án này, theo đại tá Bình, là bởi nếu thí điểm thực hiện đủ hết các quyền, sau này khi tổng kết kinh nghiệm, thực hiện chính thức thành luật mà thay đổi sẽ phát sinh vấn đề là có quy định vênh với quyền của những người đã trúng đấu giá. 

Do đó nếu quy định thay đổi thì sẽ không đảm bảo quyền lợi cho chính những người đã trúng đấu giá. Nếu bây giờ chỉ thực hiện việc đấu giá với quyền sử dụng biển số, sau này khi thực hiện chính thức mà có thêm các quyền khác thì họ vẫn được đảm bảo.

"Bây giờ thí điểm mà nhiều quyền, sau khi thí điểm phải tổng kết, đi vào chính thức nếu thay đổi thì sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Còn bây giờ mới quy định phương án được sử dụng, sau này có thay đổi, ví dụ như được mua bán, chuyển nhượng thì sẽ đảm bảo quyền lợi của những người trúng đấu giá. 

Do đó cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều phương án và chọn phương án hợp lý nhất thực hiện để bảo vệ quyền của người sau khi trúng đấu giá. Những người trúng đấu giá biển số xe trong thời gian thực hiện thí điểm được quyền giữ lại biển số này, sau này quy định thay đổi thì họ sẽ được thêm các quyền khác chứ không bị bớt đi", cục phó Cục Cảnh sát giao thông phân tích.

Đại tá Bình cho biết thêm hiện nay các nước quy định đấu giá biển số rất đa dạng, có nơi chỉ cho sử dụng chứ chưa cho mua bán chuyển nhượng, đáp ứng nhu cầu người dân muốn sở hữu biển số xe theo sở thích. Còn nếu để việc mua bán biển số thành "thị trường" thì cũng có nước thực hiện nhưng ít, bởi biển số xe là "tài nguyên" nên không thể nghĩ ra rất nhiều biển số mà phụ thuộc vào số lượng xe đăng ký.

Bộ Công an đề xuất khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu (biển số đi theo người).

Về hình thức đấu giá, Bộ Công an giao công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến.

Theo thông tư 212/2010/TT-BTC, mức phí biển số tại Hà Nội và TP.HCM là 20 triệu đồng. Các thành phố trực thuộc trung ương và khu vực khác sẽ có các mức giá khác, cụ thể là 1 triệu đồng đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, còn lại là 200.000 đồng./.