Nằm giữa khu dân cư giàu có nhất thành phố Quebec, Canada, một căn villa sáng loáng, sở hữu nhiều tiện ích sang trọng như rạp chiếu phim trong nhà, hầm chứa rượu và bể bơi nhìn ra hồ. Với giá 3,4 triệu USD, đây là một trong những căn biệt thự đắt đỏ nhất trong vùng. Chủ sở hữu của nó không phải là những người giàu có Canada, Mỹ hay Trung Quốc… mà là của một Nghị sĩ tại Haiti - ông Rony Célestin.
Chính trị gia, triệu phú tự thân?
Rony Célestin, 1 trong 10 thành viên duy nhất còn lại trong Quốc hội Haiti, là thân tín của cố Tổng thống Jovenel Moise vừa bị ám sát và tự nhận là một trong số ít quan chức hợp pháp có thể đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay tại Haiti sau khi Tổng thống qua đời.
Nhưng với nhiều người dân Haiti, ông Célestin là tâm điểm trong làn sóng biểu tình giận dữ phản đối chính quyền, bức xúc vì giới chức lạm dụng quyền lực làm giàu cho chính mình để người dân đói khổ suốt nhiều tháng qua.
Sự tức giận không chỉ ở Haiti mà còn lan tới cả Canada. Nhiều cộng đồng người Haiti tại đây đã tìm cách nấp rình trong các bụi rậm xung quanh nhà, chui vào trong hầm, tìm cách tấn công Célestin và gia đình ông.
Về phần mình, Nghị sĩ Haiti phủ nhận mọi cáo buộc. Thậm chí, trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi hồi tháng 3, nghị sĩ 46 tuổi này tự nhận tài sản ông có được là nhờ làm nông, hoạt động kinh doanh nhập khẩu và nhiều ngành nghề khác. Số tiền ông kiếm mỗi tháng lên tới hàng triệu USD.
Ông đã đưa tiền cho vợ là Marie Louisa Célestin mua căn biệt thự tại Quebec từ cuối năm 2020 để gia đình có thể hưởng những tiện ích khi sống tại Canada.
Theo lời ông Célestin, để gây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông cũng phải “nằm gai nếm mật”, có lúc phải ngủ cạnh những bao tải đường và bột mì. “Tôi không có xuất thân cao sang và không hề nhờ ai trợ giúp để có được như bây giờ”, Nghị sĩ Célestin khẳng định.
Những dự án ảo, thổi phồng
Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên báo New York Times (NY Times), quy mô kinh doanh của ông Célestin lại khác xa so với lời kể. Nghị sĩ Célestin khẳng định, ông làm chủ một trang trại gà khổng lồ tại thành phố Léogâne với 800.000 con gà mái, trị giá khoảng 60 triệu USD. Nhưng khi phóng viên NY Times tìm đến nơi thì không tồn tại trang trại nào cả.
Một Thượng Nghị sĩ tại địa phương này cho biết, dự án đó của ông Célestin… vẫn còn trên giấy tờ.
Với đài phát thanh có tên Model FM mà ông Célestin khẳng định đã lớn mạnh đến mức phải chuyển trụ sở từ nông thôn ra ngoại ô Thủ đô Port-au-Prince, trên thực tế, trụ sở đài chỉ là một văn phòng nhỏ, không biển hiệu. Cả hai lần phóng viên NY Times tới nơi, tòa nhà đều đóng cửa, không có ai cung cấp thông tin.
Ông Célestin khẳng định, sở hữu một công ty khí đốt PetroGaz-Haiti nhưng xét trên Hiến pháp địa phương, doanh nghiệp này đã vi phạm một số điều khoản cấm doanh nghiệp riêng của quan chức ký hợp đồng với doanh nghiệp Nhà nước.
Về căn nhà gia đình ông Célestin sở hữu tại Canada đang bị chính quyền Haiti và cơ quan liên quan tại Canada điều tra, ông Célestin khẳng định: “Tôi hoàn toàn trong sạch. Nếu không tôi đã gặp vấn đề với ngân hàng tại Miami, Mỹ”.
Ông Célestin tự tin, doanh nghiệp của mình thường xuyên thực hiện các giao dịch chuyển khoản trị giá từ 20 - 30 triệu USD tới Thổ Nhĩ Kỳ để mua sắt phục vụ hoạt động kinh doanh nhập khẩu. Do đó, việc mua căn nhà này không có gì khó khăn.
Về phần Canada, từ trước khi vụ ám sát Tổng thống Haiti xảy ra, nhiều quan chức cấp cao nước này đã báo động về tình hình tại Haiti cũng như thực trạng quan chức điều hành đất nước yếu kém. Giới chức Canada cũng khẳng định chính quyền nước này đang tăng cường luật pháp để chống rửa tiền và tăng nguồn lực thực thi pháp luật.
Bất cập trong điều tra rửa tiền
Song, NY Times dẫn lời nhiều chuyên gia nghiên cứu về rửa tiền cho biết, thực tế có quá ít ngân hàng, công ty bất động sản tại Canada báo cáo về những hoạt động, giao dịch đáng nghi vấn. Do đó, rất ít trường hợp rửa tiền bị truy tố.
Trong khi đó tại Haiti, tuy việc điều tra ông Célestin là có thực nhưng cách làm lại không quyết liệt. Nhiều nhà hoạt động tại địa phương cũng như ở Canada khẳng định, vừa tuần trước, họ đã hỏi giới chức địa phương về quá trình điều tra nhưng được trả lời là không còn điều tra nữa, theo NY Times.
Giữa những lùm xùm, nghi vấn tham nhũng còn chưa sáng tỏ, cuộc sống của người dân địa phương ngày càng khổ cực.
Dù Haiti đã nhận được viện trợ tới hàng tỷ USD sau trận động đất mạnh năm 2010 nhưng sau hơn thập kỷ, đất nước này vẫn chưa được tái thiết. Các băng nhóm tội phạm có vũ trang kiểm soát rất nhiều khu vực, tỉ lệ nghèo đói không ngừng tăng cao.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng Haiti đứng ở vị trí 170 trong số 180 quốc gia tham nhũng.
Báo cáo năm 2020 do Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện về vấn đề nhân quyền tại Haiti chỉ ra, tuy tỉ lệ tham nhũng cao vút nhưng số người bị truy tố, chịu trách nhiệm trước pháp luật đếm bằng đầu ngón tay. Thượng viện Haiti chưa bao giờ luận tội bất cứ quan chức cấp cao nào bị cáo buộc tham nhũng theo Hiến pháp của Haiti, báo cáo chỉ ra.
Cuối tuần qua, Thượng viện Haiti đã tuyên bố Chủ tịch Thượng viện Joseph Lambert sẽ là Tổng thống lâm thời của quốc gia này. Nghị quyết được thông qua với số phiếu đồng thuận của 8/10 thành viên Quốc hội. Haiti là quốc gia có 11 triệu dân và thành lập rất ít cơ quan chức năng. Chỉ có 10 trong tổng số 30 Thượng Nghị sĩ còn làm việc tại Quốc hội. 20 Nghị sĩ còn lại đã hết nhiệm kỳ nhưng đất nước này chưa tổ chức cuộc bầu cử bổ sung. Hạ viện gần như không còn ai. Người đứng đầu Tòa án tối cao của quốc gia này vừa qua đời vì virus SARS-CoV-2 trong tháng 6 vừa qua.