Bất chấp dịch bệnh bắt đầu từ đầu năm 2021, giá nhà đất tại nhiều khu vực trên cả nước bỗng lên cơn sốt, thị trường đất ven đô Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Sơn Tây, Quốc Oai... cũng không ngoại lệ. Đã có thời điểm giá đất ở hàng loạt các khu vực ven đô tăng bình quân tăng khoảng 20 – 30%, thậm chí có nơi tăng 50%.

Tuy nhiên, thị trường qua cơn sốt đất bắt đầu có sự điều chỉnh lại. Cùng với chính sách của Nhà nước nhắm kìm chế các cơn sốt ảo đã khiến thị trường bất động sản chững lại, nhiều nhà đầu tư tay ngang chôn vốn và buộc phải cắt lỗ hàng trăm triệu đồng/lô đất.

Các vùng từng là điểm nóng từ cuối năm 2021 nay đã hạ nhiệt, chững lại khá nhiều, đặc biệt ở khu Hoà Lạc hiện tại giá đất dao động 10 - 20 triệu đồng/m2. Giá khu vực Đồng Mô, Yên Bài (huyện Ba Vì) giá khoảng 6 - 9 triệu đồng/m2 nhưng có diện tích lớn, tương đương giá trị 5 - 10 tỷ đồng/lô.

1326-a-1664070433.jpg
Ảnh minh hoạ: internet.

Tại huyện Hoài Đức, một trong những điểm nóng về đất đai tại Hà Nội, những ngày này trở nên vắng lặng. Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản tại khu vực này thừa nhận, mới chỉ đầu năm nay, mỗi ngày văn phòng bán được 3 - 4 lô đất nhưng 2 tháng nay không bán được lô nào. Các huyện ngoại thành khác như Thạch Thất, Mê Linh cũng có chung tình trạng giao dịch ảm đạm, giá đất đứng im các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục cắt lỗ.

Các chuyên gia nhận định, việc các môi giới bất động sản thổi các thông tin quy hoạch chính là một trong những nguồn cơn của các đợt sốt đất ảo diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Thậm chí, nhiều khu vực không có người mua, không có giao dịch nhưng môi giới vẫn tạo sóng ảo, đăng thông tin khách chốt liên tục để người mua hiểu lầm.

Nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng đối với chiêu trò tự phân lô những khu đất rừng, đất nông nghiệp rồi sau đó giao dịch. Trên thực thế đã có hàng trăm vụ rao bán đất ảo, dự án ảo của “cò đất” bằng hình thức hợp đồng nhận cọc, phiếu đặt chỗ... diễn ra trên nhiều địa phương của cả nước khiến người mua đất rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”...

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, Chính phủ đã yêu cầu rà soát lại các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài theo hướng xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả. Đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý. Đẩy mạnh việc phân quyền cho các cấp, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực mới cho thị trường phát triển./.